Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu học sinh niên khóa 1957-1963 của Trường Nguyễn Gia Thiều. Ông cũng là lớp trưởng và Bí thư Chi đoàn lớp 9B, 10B.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho biết: Năm 2020, nhà trường kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.
Ông Kiên, khi đó là hiệu trưởng, đã xin được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp gửi thư mời tới cựu học sinh niên khóa 1957-1963.
Vị hiệu trưởng đã vô cùng bất ngờ, thậm chí như lặng người xúc động khi Tổng Bí thư chào mình bằng “thầy” xưng “em”.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhớ lại: "Trước buổi lễ, khi chúng tôi đến mời ông về dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Tổng Bí thư nói với chúng tôi rằng: Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020 - PV) nhưng khi về trường, xin phép các thầy cô và nhà trường vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, một cựu học sinh của nhà trường”.
Năm đó, ông đã về dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường với tư cách cựu học sinh.
Trong buổi lễ, Tổng Bí thư cũng nói chuyện: “Hôm nay, cho phép em bỏ qua chức tước, về đây với tư cách một học trò để gặp các thầy cô và các bạn”.
Theo ông Kiên, Tổng Bí thư rất khiêm nhường và không muốn vì mình là một lãnh đạo cao cấp mà nhà trường cũng như mọi người phải đón tiếp quá trọng thị. Mọi người đều cảm nhận Tổng Bí thư giản dị, mộc mạc nhưng rất tinh tế, là người luôn giữ đạo hiếu của một người trò, nghĩa lễ với các thầy cô, ngay từ việc xưng hô.
“Khi gặp gỡ, mặc dù chúng tôi là thế hệ con cháu, nhưng Tổng Bí thư luôn xưng hô ‘thầy hiệu trưởng’, ‘cô hiệu phó’ và ‘em’; chứ không dùng bất kỳ một từ khác. Với chúng tôi trạc tuổi con cháu nhưng Tổng Bí thư vẫn rất chỉn chu trong từng câu, từng từ”, ông Kiên bồi hồi nhớ lại.
Ngày về kỷ niệm 70 năm thành lập trường, cậu học trò lớp trưởng cũng không quên tặng hoa thầy Lê Đức Giảng- chủ nhiệm lớp 10B ngày nào - nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ôn lại những kỷ niệm về thời thanh xuân của mình cùng bạn bè, thầy cô.
Ông Kiên chia sẻ thêm, đối với thế hệ thầy cô và học sinh hiện tại của nhà trường, Tổng Bí thư nhắn nhủ hãy nỗ lực, cố gắng, vượt khó để học tốt.
“Chính Tổng Bí thư cũng là một tấm gương để các thế hệ học sinh nhà trường noi theo về tinh thần vượt khó. Tôi vẫn nhớ Tổng Bí thư kể từng đi bộ từ thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) để đến trường phải đi qua đò và thường đi học từ 5h.
Hồi đó, cả khu vực Gia Lâm và Đông Anh chỉ có Trường Nguyễn Gia Thiều. Vì không có đồng hồ, nên có những hôm ông đi từ 3h, đến đò lúc 4h và sang trường lúc 5h khi mọi người còn chưa dậy. Đó là những kỷ niệm để lại niềm xúc động, ngưỡng mộ của thầy trò trường chúng tôi về Tổng Bí thư”, ông Kiên kể.
Trong phòng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều hiện nay, vẫn còn đó đầy ắp những hình ảnh của cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng.
Trường Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) được thành lập năm 1950 tại thôn Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đến năm 1951, trường chuyển về địa điểm hiện nay tại số 27, ngõ 298 Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Hiện mỗi năm, trường có khoảng 2.000 học sinh; 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt hơn 55%.
Nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều luôn nằm trong tốp những trường THPT có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất Hà Nội. Năm nay, trường có 1 thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT là em Nguyễn Hà Nhi, học sinh lớp 12D1.
Ảnh: Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cung cấp.