Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 
 
Đến nay, Nam Định đã dẫn đầu cả nước về Chương trình xây dựng nông thôn nâng cao với 182/204 (89%) xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 giảm còn 1,73%, hộ cận nghèo 5,04%. 

Nam Định đã dẫn đầu cả nước về Chương trình xây dựng nông thôn nâng cao.

Để đạt kết quả nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chương trình giải pháp như: Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. 

Trên cơ sở Bộ tiêu chí khung của Chính phủ, tỉnh cụ thể hóa và ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời phân công các sở, ngành hướng dẫn thực hiện, lập căn cứ chứng minh và đánh giá mức đạt các bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. 

Thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XX và Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 gắn với giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh lựa chọn đúng các khâu đột phá, những giải pháp căn cơ trong Nghị quyết 06 nói riêng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nói chung. 

Tập trung thực hiện các nội dung về quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái. Đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. 

Tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất, kinh doanh, khoa học - công nghệ cho nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh các phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021 - 2025.

Quỳnh Nga