Triển lãm cá nhân Nhạc khúc của Trần Thế Vĩnh diễn ra tại TP.HCM. Dịp này, họa sĩ trưng bày 32 bức tranh theo xu hướng sáng tác mới nhất của anh.

Nhìn lại chặng đường 10 năm, từ bộ tranh Con vật-người (2013), Bắt đầu từ đâu? (2016), Khỏa thân (2018), Vọng (2020), Thế gian điên đảo (2022/2023)… Trần Thế Vĩnh đã liên tục khai thác tranh chân dung có thiên hướng tả thực, tranh biểu hiện, tranh trừu tượng… Đến bộ Nhạc khúc (2023), anh hòa trộn thành biểu hiện trừu tượng. 

Các tác phẩm mang đến không gian âm nhạc cho người xem, đưa họ vào sự phiêu lãng theo một điệu jazz, một điệu bolero, một câu ca cổ hoặc một nốt trầm mới.

Trần Thế Vĩnh thích ca hát bên cạnh hội họa. Anh cho rằng nếu không thi đậu đại học mỹ thuật thì đã trở thành nhạc công. Trong bộ tranh Vọng (2020) vẽ 51 chân dung văn nghệ sĩ, Trần Thế Vĩnh vẽ nhiều nhất là các nhạc sĩ như Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Phạm Đình Chương, Trúc Phương…

Không gian buổi triển lãm. 

Trần Thế Vĩnh manh nha vẽ trừu tượng ngay từ khi còn học ở Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp 2 năm, anh đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên gồm 21 tranh trừu tượng. 

Họa sĩ quan niệm phong cách chính là nội lực tự thân trải nghiệm từ quá trình sống, suy tư và làm việc, sáng tạo. Khi có được sự chín muồi về cảm xúc, ổn định về tư tưởng thì phong cách sẽ rõ ràng nhất.

“Tôi yêu thích và quý mến nhiều họa sĩ bậc thầy của thế giới, nhưng tôi không ảnh hưởng của ai cả vì không có ý niệm về sự ảnh hưởng của một cá nhân nào. Tôi vẽ hoàn toàn tự nhiên theo cách nghĩ cá nhân, cho nên nếu có ảnh hưởng thì đó cũng là một sự phát triển tiếp nối của vô thức tất yếu”, anh nói. 

Trong nghệ thuật, số đông hay nói đến xấu-đẹp, hay-dở, cao-thấp, hơn -thua... nhưng Trần Thế Vĩnh quan niệm khác. Đối với anh, nghệ thuật chỉ là sự duy nhất. Bởi vậy, anh vẫn đang đi theo con đường đó để tìm kiếm chính mình. 

Triển lãm 'Nhạc khúc' diễn ra tại Thi Art Space, (Quận 10, TP.HCM). 

Cũng theo họa sĩ, sự sáng tạo dựa trên niềm khát khao sống, cảm nhận và trải nghiệm, hạnh phúc cũng như đau khổ đều là những chất liệu để hình thành nên mỗi tác phẩm: “Tôi yêu cuộc sống này và cố gắng hiểu sâu hơn về nó qua từng ngày, từng nhịp đập của thời gian để tìm kiếm những giá trị".