Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở Ngoại vụ TPHCM về việc dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc liên quan đến tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Nhà thầu kiện vì kéo dài thời gian hoàn thành

Theo MAUR, khối lượng thực hiện của toàn dự án metro số 1 đến nay đạt trên 98%. Bên cạnh công tác thi công, dự án đang tiến hành thử nghiệm liên động toàn tuyến theo các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của Nhật Bản; thực hiện và hoàn thành đào tạo nhân sự cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) để sẵn sàng đưa dự án vào vận hành thử; hoàn thành hồ sơ hoàn công và tiến hành nghiệm thu dự án với sự tham gia của Hội đồng kiểm tra Nhà nước trước khi đưa vào khai thác vận hành chính thức.

Để đưa dự án vào khai thác, vận hành thương mại như kế hoạch vào cuối quý 4/2024, chủ đầu tư cho biết cần phải tiếp tục thực hiện các công tác như: nghiệm thu hoàn thành; đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng; thực hiện các thủ tục kết thúc dự án.

Tuy nhiên, dù dự án đang bước vào giai đoạn cuối nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, liên quan cách diễn giải về hợp đồng và sự phối hợp giữa liên danh tư vấn NJPT với các nhà thầu Nhật Bản, làm chậm tiến độ.

ben trong dai ban doanh dieu khien 17 doan tau metro dau tien cua tphcm ee055a3e67bb4b7b83d043f798543a97.jpg
Depot Long Bình của tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên). Ảnh: TK

Trong đó, vướng mắc lớn nhất, theo MAUR, là tại gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) do nhà thầu Hitachi thực hiện. Gói thầu này có thời gian thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2018 (244 tuần). Do quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc, kéo dài, nhà thầu yêu cầu tính thêm chi phí cho việc gia hạn thời gian hoàn thành là 4.124 ngày.

Theo đánh giá của liên danh tư vấn chung NJPT, thời gian Hitachi được hưởng do kéo dài thực hiện hợp đồng là 2.161 ngày. Tuy nhiên, phía nhà thầu không đồng ý và đã khởi kiện chủ đầu tư tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vào hôm 6/4 vừa qua. Trong đó, Hitachi yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà thầu này cũng đơn phương yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành. Tính đến nay, các khiếu nại chi tiết tạm thời mà nhà thầu đệ trình có tổng chi phí khoảng 23,721 tỷ Yên (tương đương gần 4.000 tỷ đồng). 

Liên quan đến các nội dung khiếu nại của nhà thầu Hitachi, trong văn bản, MAUR phân tích hiện những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi chưa đủ pháp lý để giải quyết.

Cụ thể, theo quy định của hợp đồng, nhà thầu có quyền hưởng EoT (Extension of Time - EoT) do lỗi từ chủ đầu tư gây ra do chậm tiến độ, hoặc nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do chậm trễ nếu việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu.

MAUR cho rằng, do sự phức tạp của các khiếu nại về EoT, các nguyên nhân gây kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, xác định trách nhiệm của mỗi bên vẫn đang diễn ra và chưa xác định được thời điểm kết thúc. Việc xử lý, giải quyết và thương thảo với nhà thầu đòi hỏi nhiều thời gian để tính toán thời điểm gia hạn hợp đồng và các chi phí bồi thường một cách hợp lý. Do đó, hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa thể ban hành EoT và các chi phí có liên quan cho nhà thầu.

Vướng mắc cả đào tạo nhân sự vận hành, chạy thử

Ngoài vấn đề trên, MAUR cho biết dự án còn vướng mắc liên quan quá trình đào tạo nhân sự vận hành, công tác chạy thử. 

Dù đã được quy định trong hợp đồng nhưng các nội dung liên quan đến đào tạo nhân viên, công tác chạy thử bị kéo dài do những tranh cãi và thoái thác công việc của nhà thầu Hitachi. Đến nay các nội dung này vẫn chưa được các bên thống nhất.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà thầu Hitachi, MAUR kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản nhằm trao đổi, tác động đến các nhà thầu Nhật Bản (đặc biệt là nhà thầu Hitachi) để hoàn thành công việc, hoàn thành thử nghiệm. Mục tiêu là để dự án có thể hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại sớm, trở thành một công trình biểu tượng kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Về giải quyết tranh chấp hợp đồng, MAUR kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có tác động với các cơ quan Chính phủ, Bộ ngoại giao, nhà tài trợ JICA quan tâm, hỗ trợ có những động thái khuyến khích các nhà thầu rút hoặc tạm dừng khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài quốc tế, để tập trung công tác hòa giải thương mại với chủ đầu tư của Dự án - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM.