W-nha-hat-tp-7-2.jpg
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh tên ban đầu là Nhà hát lớn Sài Gòn - L’Opera de Saigon được nhóm kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret khởi công xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1900 theo trường phái Gothique Flamboyant (sáng chói) của thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.
W-nha-hat-tphcm-25-1.jpg
Từ nơi biểu diễn cho các đoàn hát từ Pháp sang phục vụ cho người Pháp ở Sài Gòn, năm 1918 chính quyền Pháp tại Sài Gòn cho phép Nhà hát Thành phố trở thành nơi biểu diễn cho cả người Việt và người Pháp. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, năm 1975, công trình này trở lại làm nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật với tên gọi Nhà hát TP.HCM.
W-nha-hat-tp-4-1.jpg
Nhà hát TP.HCM từng trải qua 2 lần trùng tu. Năm 1998, dịp 300 năm khai sinh thành phố Sài Gòn, chính quyền đã cho trùng tu toàn diện với tôn chỉ bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, nhờ đó phục hồi một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như 2 bức tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, đèn... Tổng kinh phí ước tính 25 tỷ đồng. 
W-nha-hat-tp-8-1.jpg
Tháng 11/2007, TP.HCM tiếp tục cho tân trang một số hạng mục của nhà hát như mái ngói, các tượng bên trong, các điêu khắc nổi trên tường theo đúng nguyên mẫu. Ngoài ra, còn thay ghế ngồi bằng ghế đệm và gạch lát nền với kinh phí ước tính 1,6 tỷ đồng. Khi dự án hoàn tất cuối năm 2009, thành phố Lyon (Pháp) tài trợ thêm 160 nghìn Euro để trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật về đêm.
W-nha-hat-tphcm-29-2.jpg
16 năm sau lần trùng tu thứ 2, Nhà hát TP.HCM có dấu hiệu xuống cấp toàn diện. Mặt ngoài nhà hát, các tác phẩm tượng, phù điêu có vết nứt, loang lổ và nấm mốc gây mất thẩm mỹ.

Một số góc tường bong tróc, nứt nẻ, thậm chí... mọc cây.

W-nha-hat-tphcm-6-2.jpg
Ông Châu Huy Toàn (sinh năm 1970, làm việc tại Nhà hát TP.HCM từ năm 1990) nói phần trần bị dột, thấm vừa do mưa, vừa do nước rò rỉ từ hệ thống máy lạnh âm tường.
W-nha-hat-tphcm-7-1.jpg
Theo thời gian, các vách tường bằng thạch cao hư hỏng đầu tiên. 
W-nha-hat-tphcm-9-1.jpg
Ông Toàn và các nhân sự phải kiểm tra khu vực giàn giáo dưới hầm sân khấu hằng ngày. Nơi đây thường xuyên ngập do mưa và nước thấm từ dưới đất lên, phải dùng máy bơm thoát nước ra ngoài. "Những ngày mưa lớn tiếng nước chảy róc rách bên dưới như ai mở vòi. Dần dà, nền đất có dấu hiệu sụt lún", ông kể.
W-nha-hat-tphcm-11-1.jpg
Phần sàn dưới mục nát, chỉ cần chọc nhẹ là rơi vãi mối mọt, cát bụi, dù vậy không ảnh hưởng nhiều đến sân khấu bên trên. Năm 2017, tròn 10 năm tu sửa lần 2, ông Toàn và một số người từng đề xuất trùng tu Nhà hát lần 3 nhưng không được chấp thuận.
W-nha-hat-tphcm-12-1.jpg
Bên cạnh đó, hệ thống điều hòa cũng xuống cấp, nhiều ghế hỏng, hệ thống âm thanh và ánh sáng lỗi thời, nhiều chương trình phải mang trang thiết bị từ bên ngoài vào. 
W-nha-hat-tphcm-5-1.jpg
Mặc nhà hát xuống cấp từ trần đến sàn, các diễn viên vẫn say sưa tập luyện cho buổi diễn vũ kịch.
W-nha-hat-tphcm-16-1.jpg
Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM và các khu vực khác bên dưới Nhà hát TP.HCM càng hư hại nghiêm trọng, bốc mùi ẩm, mốc do bị thấm nước nhiều năm.
W-nha-hat-tphcm-18-3.jpg
Nhiều năm qua, Nhà hát TP.HCM chủ động sửa chữa các hạng mục nhỏ như thi công chống thấm, thay ghế, lát đá vỉa hè, xây bồn, trồng hoa... song chỉ mang tính đối phó, tạm thời vì ngân sách hạn hẹp. 
W-nha-hat-tphcm-2-1.jpg
Tháng 2 năm nay, Giám đốc Nhà hát TP.HCM - ông Nguyễn Hoài Hương chính thức nhận thông tin tu bổ di tích với kinh phí 337 tỷ đồng. Theo ông, điều này mang ý nghĩa lớn dù có phần muộn màng khi các công trình còn lại từ thời Pháp như Kho bạc Nhà nước, Tòa án Nhân dân TP.HCM, Bưu điện TP.HCM... đều đã được trùng tu, bảo trì.
W-nha-hat-tphcm-3-2.jpg
"Chúng tôi đặt lên hàng đầu việc trùng tu sao cho bảo toàn giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của di tích như 2 lần trước. Phía nhà hát đang nôn nóng đợi một cuộc họp chính thức để được thông tin chi tiết, đầy đủ về nội dung, tiến độ và các vấn đề liên quan như đời sống của hơn 50 nhân sự ở đây trong thời gian tu sửa", ông Hương nói.