Dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với kinh phí 11.000 tỷ đồng đã đạt 60% tổng khối lượng. Nhà thầu đã thi công xong phần thô và đang đẩy nhanh tiến độ lắp dựng kết cấu sắt, vách kính và lợp mái.
Ngày 19/6, Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam – CTCP (ACV) cho biết, hiện nay dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất) đã thi công đạt khoảng 60% tổng khối lượng công việc.
Cụ thể, theo ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà ga T3, dự án với hạng mục xây dựng nhà ga hành khách quy mô 1 tầng hầm, 4 tầng nổi hiện đã hoàn thành phần thô, vượt tiến độ 15 ngày.
Từ cuối tháng 5, nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ lắp dựng kết cấu sắt, vách kính và lợp mái theo hình thức cuốn chiếu.
"Với mục tiêu phải hoàn thành lắp đặt kết cấu sắt trong tháng 9 năm nay, các đơn vị thi công đang ngày đêm thực hiện. Công tác lắp dựng bắt đầu ngày 25/5, đến nay đã hoàn thành lắp đặt trên công trường khoảng 1.300 tấn/3.000 tấn, đạt 43,3%” – ông Hồng nói.
Cùng với nhà ga hành khách, hạng mục nhà để xe quy mô 2 tầng hầm, 4 tầng nổi cũng đạt 96% khối lượng phần thô, dự kiến hoàn thành cuối tháng này. Bên cạnh các hạng mục xây dựng chính, nhiều hạng mục phụ trợ như nhà cơ điện 3 tầng, trạm xử lý nước thải, cầu tầng đã đạt 100% tổng khối lượng phần thô. Sân đỗ máy bay rộng 4.730 m2 đã hoàn thành đổ bê tông lớp đầu tiên.
Ông Lê Khắc Hồng cũng thông tin, theo tiến độ ban đầu dự án đưa vào khai thác cuối tháng 6/2025. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành uỷ TPHCM, phía chủ đầu tư, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ để dự án hoàn thành sớm hơn 2 tháng, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
“Chúng tôi phải cập nhật lại tất cả tiến độ và quyết tâm thực hiện. Đến thời điểm này, phía chủ đầu tư đánh giá dự án hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, để chắc chắn kế hoạch trên thì phải đến ngày 31/12 mới có thể khẳng định được”, ông Hồng thận trọng chia sẻ.
Lý do được Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đưa ra, mặt bằng thi công chật hẹp đang là trở ngại lớn vì nhà thầu khó triển khai thi công trên quy mô rộng. Đồng thời, mặt bằng hạn hẹp nên khó rất gia công các cấu kiện tại công trường. Công tác gia công này đều thực hiện ở các nhà máy quanh TPHCM như Long An, Đồng Nai, rồi chở tới công trường vào ban đêm gây mất thời gian.
Đồng thời, vị trí triển khai dự án nằm giữa sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác và khu vực quân đội nên quá trình thi công phải đảm bảo an toàn nhằm tránh những rủi ro tai nạn...
“Ở công trường, chúng tôi sử dụng cẩu cao từ 75-127m để thi công nên ảnh hưởng rất lớn tới tĩnh không của sân bay đang khai thác. Do đó, công tác thi công phải rất tranh thủ các thời điểm vì không thể thực hiện xuyên suốt. Các vấn đề an toàn luôn được chú trọng. Nếu sơ suất xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm”, ông Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Khắc Hồng, để dự án hoàn thành sớm 2 tháng, hiện trên công trường có hơn 2.500 công nhân và kỹ sư, hàng trăm máy móc thiết bị thi công ngày đêm với 3 ca, 4 kíp. Nhằm bám sát tiến độ, dự án chia nhỏ khối lượng thi công của các nhà thầu theo tiến độ 15 ngày để thường xuyên đánh giá. Nếu nhà thầu nào không đạt sản lượng thì phải bù trong 15 ngày tiếp theo…
Ngoài ra, vấn đề giải ngân, thanh toán cũng được chủ đầu tư đặc biệt quan tâm, đảm bảo nhanh, đúng quy định. Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu không được nợ lương, thưởng cho người lao động, đảm bảo các điều kiện an toàn cho công nhân làm việc.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Thời gian thi công 24 tháng tính từ ngày khởi công. Nhà ga T3 được thiết kế với công suất 20 triệu hành khách/năm, 7.000 hành khách/giờ cao điểm.
Nhà ga có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành hai cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy backdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay, có 16 đảo xử lý hành lý, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách đi.
Dự án cũng có hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000m2.