Hy vọng được bế cháu
Theo CNN, các chương trình xem mắt và mai mối không phải là điều hiếm gặp tại Nhật Bản, nhưng đối tượng tham dự đang có sự thay đổi rõ rệt.
Vào một buổi chiều ở thành phố Osaka, một nhóm khoảng 60 người đàn ông và phụ nữ đã cùng có mặt tại một buổi "omiai" (xem mắt). Nhưng họ không nói về sở thích cá nhân hay tìm kiếm đối tượng cho mình, mà nói về những đứa con đang độc thân.
"Trước đây, các bậc phụ huynh thường cảm thấy ngại ngùng khi đến những sự kiện như thế này. Nhưng giờ thời thế đã thay đổi, ý tưởng về việc cha mẹ có thể giúp con cái họ kết hôn đang trở nên phổ biến hơn", bà Miyagoshi Noriko, người có hơn 20 năm kinh nghiệm mai mối cho biết.
Tại sự kiện ở Osaka, phóng viên của CNN đã được thấy một phụ nữ 60 tuổi giới thiệu về cậu con trai 34 tuổi, đang làm giáo viên tiểu học. Một người đàn ông 80 tuổi khác lại đang nói về người con trai 49 tuổi, đang giữ vị trí cao trong một công ty điện lực.
Theo bà Miyagoshi, việc giới trẻ Nhật Bản ngày càng thờ ơ với kết hôn đã khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên. Nhiều người lo ngại về khả năng không được bế cháu đã trực tiếp vào cuộc. Để tham gia một buổi xem mắt kiểu này, mỗi bậc phụ huynh phải chi ra khoảng 14.000 Yên (2,3 triệu VND).
"Con trai tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc, nó không tự tìm kiếm đối tượng hẹn hò. Chúng tôi luôn mong muốn có một đứa cháu, và biết tới chương trình xem mắt qua báo chí", một cặp vợ chồng 70 tuổi chia sẻ.
"Nghe có vẻ khó tin với một bà mối, nhưng tôi tin vào khái niệm 'go-en' - đúng người đúng thời điểm. Các bậc phụ huynh có thể thúc đẩy, nhưng con cái của họ phải đồng tình. Ép buộc không phải là bản chất thực sự của hôn nhân", bà Miyagoshi nói.
Khủng hoảng hôn nhân ở Nhật Bản
Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, tính tới tháng 1/2023, dân số nước này là 125,4 triệu, sau khi chứng kiến mức giảm kỷ lục 800.523 người. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm dân số là tỷ lệ kết hôn và sinh nở ngày càng giảm.
Vào năm 2021, số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn ở Nhật Bản là 501.116 - mức thấp nhất kể từ năm 1945. Không những vậy, độ tuổi trung bình khi kết hôn cũng tăng lên 34 với nam và 27 với nữ.
Độ tuổi kết hôn muộn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ này ở Nhật Bản chạm đáy vào năm 2022 với mức 1,3, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ để duy trì dân số ổn định là 2,1.
Theo CNN, chi phí sinh hoạt tăng cao, triển vọng kinh tế kém và văn hóa làm việc khắt khe đang khiến người trẻ Nhật Bản ngại kết hôn và sinh con. Điều này tạo ra cơn "đau đầu" với chính phủ Nhật Bản, khi nhu cầu trả lương hưu ngày càng tăng, trong khi số người trong độ tuổi lao động nộp thuế ngày càng giảm.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Kishida Fumio đã công bố các chương trình hỗ trợ trị giá hàng nghìn tỷ yên nhằm khuyến khích việc sinh con. Tuy vậy, các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng việc quan trọng nhất là giải quyết gốc rễ của vấn đề, đó là thúc đẩy người trẻ kết hôn.