Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy thanh sắt đã xuyên vào bụng bệnh nhân nhưng không đâm thủng bất kỳ cơ quan chính nào. Sau khi phẫu thuật lấy dị vật, bà được tiêm phòng uốn ván và uống thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Các bác sĩ ở Manipal (Ấn Độ) cho biết trường hợp bị đâm xuyên qua hậu môn như người phụ nữ trên rất hiếm gặp. Vụ việc đã được chia sẻ lại trên tạp chí Báo cáo Các ca phẫu thuật quốc tế.
6h sáng hôm xảy ra sự cố, người phụ nữ 65 tuổi dậy sớm đi chăn thả bò như thường lệ. "Trên cánh đồng rộng gần nhà, chúng tôi cắm những thanh sắt này để chống đỡ cho cây leo. Hôm đó, khi tôi dắt bò ra ngoài, trời vẫn còn tối và mưa. Tôi đã quấn sợi dây thừng quanh cổ tay. Tôi không biết tại sao con bò đó lại kích động và bắt đầu kéo tôi rất mạnh”, bà kể.
Người phụ nữ mất thăng bằng và ngồi đúng vào một thanh kim loại. “Mọi chuyện xảy ra đột ngột. Tôi rất đau đớn và hét lên. Tôi từ từ đứng dậy nhưng không thể đi được. Người thân nghe thấy tiếng la thất thanh của tôi nên đã chạy đến. Họ không thể tin được chuyện gì đã xảy ra. Tất cả đều sốc và bối rối”, nữ bệnh nhân nhớ lại.
Bà được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện gần đó, uống thuốc giảm đau và kháng sinh. Xe cứu thương chở bà vào một bệnh viện lớn hơn có sự thăm khám của các bác sĩ trường Y Kasturba.
Đến thời điểm này, dị vật đã ở trong cơ thể người bệnh được 2 giờ, xé rách ống hậu môn và trực tràng của bà, phần đầu nằm ngay sát thận trái.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện thanh kim loại đã đâm xuyên bụng của người phụ nữ nhưng không làm thủng bất kỳ cơ quan chính nào. Họ đã "bôi trơn" thanh kim loại để dễ dàng kéo qua ống hậu môn của bệnh nhân. Toàn bộ ca mổ kéo dài khoảng 2 tiếng.
Hậu phẫu, người phụ nữ được dùng kháng sinh và vật lý trị liệu, xuất viện sau 10 ngày. "Sau phẫu thuật, tôi hơi đau và buồn nôn, nhưng hiện đã đỡ hơn. Tôi có thể uống nước từ từ và ăn những miếng nhỏ", bệnh nhân nhớ lại. Sức khỏe của người này đã nhanh chóng bình phục. "Tôi biết ơn tất cả các nhân viên y tế đã chăm sóc tôi rất chu đáo", bà bày tỏ.
Các bác sĩ đánh giá: "Vật thể đã xuyên qua trực tràng và đi thẳng vào phúc mạc, các nội tạng và cấu trúc mạch máu chính đều không bị tổn hại”.
Do thanh sắt phủ đầy bùn, các bác sĩ đã xử lý bằng cách dùng kháng sinh cũng như tiêm vắc xin uốn ván cho bệnh nhân. Do đó, bà không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.