FBI cho biết Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet – IC3 – ghi nhận hơn 800.000 khiếu nại trong năm 2022, tương đương hơn 2.000 đơn mỗi ngày. Trong báo cáo của FBI, tấn công lừa đảo (phishing) là lớn nhất, chiếm hơn 300.000 vụ. Hình thức này liên quan đến sử dụng email, tin nhắn văn bản và cuộc gọi không mong muốn, giả vờ như đến từ một công ty hợp pháp, yêu cầu nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân hay tài chính.
Trợ lý Giám đốc FBI Timothy Langan nhận xét, không gian mạng ngày nay mang lại cơ hội lớn cho tội phạm và gián điệp nhằm vào mạng lưới của Mỹ, tấn công hạ tầng quan trọng, giữ tiền và dữ liệu làm con tin, kích hoạt các kịch bản lừa đảo quy mô lớn và đe dọa an ninh quốc gia.
Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến lên tới 10,3 tỷ USD năm ngoái từ 6,9 tỷ USD năm 2021. Tuy nhiên, tổng số đơn khiếu nại mà IC3 nhận được lại giảm nhẹ.
Năm 2022, thiệt hại do các trò lừa đảo liên quan đến đầu tư tăng hơn gấp đôi một năm trước và là kịch bản phổ biến nhất. Lừa đảo đầu tư tiền mã hóa tăng lên 2,57 tỷ USD, từ 907 triệu USD năm 2021.
Theo FBI, người Mỹ từ 60 tuổi trở lên mất 3,1 tỷ USD cho bọn lừa đảo, chiếm 30%.
Tấn công mã độc tống tiền, nơi kẻ xấu cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính nạn nhân để chặn truy cập hoặc khai thác dữ liệu cá nhân cho tới khi nhận tiền chuộc, giảm nhẹ so với năm 2021. Năm 2022, FBI nhận 2.385 đơn khiếu nại về mã độc tống tiền với thiệt hại khoảng hơn 34,3 triệu USD.
IC3 nhận thấy phương thức dùng để kích hoạt mã độc tống tiền đã tăng lên. Tin tặc ép nạn nhân trả tiền bằng cách đe dọa công bố dữ liệu đánh cắp. Nhà chức trách khuyên mọi người không trả tiền cho thủ phạm và báo cáo mọi sự cố với IC3.
Lừa đảo tổng đài gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD, theo FBI. Loại tội phạm này nhắm đến đối tượng người cao tuổi và gây tác hại đáng kể. Gần một nửa số nạn nhân hơn 60 tuổi (46%) và mất hơn 724 triệu USD.
(Theo WSJ)