Cơ hội để cơ quan báo chí, phóng viên ‘làm mới mình’
Năm 2024 được xem là năm của trí tuệ nhân tạo - AI, với việc sử dụng công nghệ Generative AI – AI tạo sinh tại nơi làm việc đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng qua, theo nghiên cứu mới do Microsoft và LinkedIn thực hiện với 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo chí là một trong những lĩnh vực được nhận định chịu ảnh hưởng tác động lớn từ sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của AI.
Với sự hỗ trợ của AI, khi đi tìm lời giải cho vấn đề ‘Cơ quan báo chí và người làm báo có thể tận dụng AI để hỗ trợ họ phát triển hay không?’, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cao cấp của Đại học RMIT nhận thấy rằng: AI đang dần được tích hợp vào công việc và cuộc sống hằng ngày của mọi người. Tuy vậy, cơ quan báo chí vẫn là nguồn tin chính thống và đáng tin cậy, ngay cả khi công nghệ AI được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành. AI phát triển có thể đi kèm với những mối nguy tiềm tàng, song công nghệ mới này cũng đem đến cơ hội để các cơ quan báo chí và phóng viên “làm mới mình” trong kỷ nguyên số.
Cụ thể, các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ AI để phân tích dữ liệu nội dung truyền thông, thu thập thông tin nền, đồng thời đề xuất giá trị và góc độ cho tin tức. Họ cũng có thể đẩy mạnh ứng dụng phân tích dữ liệu và các công cụ AI để nắm bắt thị hiếu khán, thính và độc giả, đồng thời đề xuất nội dung được cá nhân hóa. Từ việc khai phá dữ liệu bằng AI, các cơ quan báo chí có thể phân tích bộ dữ liệu nội bộ khổng lồ, cũng như ý kiến công chúng về các chủ đề khác nhau ở các bài đăng và bình luận trên mạng xã hội.
Thực tế hiện nay, các nhãn hàng đã và đang dùng việc khai phá dữ liệu bằng AI để thấu hiểu khách hàng, từ thị hiếu đến thời gian và dịp tiêu dùng. Nếu áp dụng cách làm này vào một tờ báo điện tử, với lượng dữ liệu lớn thu thập được, tòa soạn có thể thấu hiểu sở thích của bạn đọc. Ví dụ độc giả thích đọc báo vào thời gian nào trong ngày và đọc trong bao lâu, họ thích đọc chuyên mục gì, họ ưa thích định dạng gì...
“Phân tích dữ liệu bằng AI có thể giúp tòa soạn xác định xu hướng và đặc điểm của độc giả để tùy chỉnh tin tức hiển thị cũng như thông báo đẩy với các tin nóng, podcast hoặc video mà độc giả quan tâm”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long phân tích.
Với phóng viên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, khi muốn đưa tin về những chủ đề mới hoặc chủ đề nặng về dữ liệu mà chưa có thông tin cập nhật, họ có thể viện đến sự hỗ trợ của AI trong việc trích xuất tin tức và cung cấp những thông tin tham khảo. Ngoài ra, AI còn có thể đề xuất cho phóng viên những ý tưởng, góc độ tin tức và giá trị tin tức mới.
Công cụ AI giúp giải phóng tới 60% khối lượng công việc cho người làm báo
Trong thông tin mới chia sẻ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long cho hay, dựa trên nghiên cứu hiện có trên thế giới, các công cụ AI được ước tính giúp giải phóng từ 40 - 60% khối lượng công việc của người làm báo.
“Nếu AI giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian như vậy thì đóng góp của con người trong kỷ nguyên mới này là gì? Câu trả lời là họ có thể tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng mềm như tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng thích ứng, đưa ra quyết định có đạo đức và xây dựng mối quan hệ giữa người và người”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long nêu quan điểm.
Giảng viên cao cấp của Đại học RMIT phân tích thêm: AI có thể tạo ra nội dung chủ yếu từ các bộ dữ liệu hiện có, nhưng nó vẫn chưa có khả năng sáng tạo và kể chuyện như con người. Với những câu chuyện giàu cảm xúc và đòi hỏi sự sáng tạo, người làm báo có thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khán, thính và độc giả của mình. Họ thành thạo hơn trong việc khai thác các vấn đề, tin tức phức tạp cho từng đối tượng.
Mặt khác, AI có thể thu thập và xử lý lượng thông tin lớn, nhưng người làm báo phải giữ vai trò giám sát. Họ có thể phân tích thông tin với tư duy phản biện, đánh giá dữ liệu do AI phân tích, cũng như thiên kiến và khuyến nghị mà AI đưa ra. Người làm báo cần đảm bảo tính hiệu quả và chính xác của tin tức được biên soạn với sự trợ giúp của AI.
Chuyên gia của Đại học RMIT cho rằng: Điều khiến người làm báo là bản thể độc đáo và không thể thay thế là khả năng xây dựng mối quan hệ để tiếp cận các nguồn tin đáng tin cậy, để điều tra các vấn đề mới nổi, để thu thập những hiểu biết hoặc ý tưởng mới và để sản xuất tin tức chính thống. Với kỹ năng giao tiếp, sự tiếp cận và đồng cảm, người làm báo có thể kết nối với nguồn tin và các bên liên quan, tạo dựng được niềm tin và bồi đắp mối quan hệ sâu sắc với các đối tượng này.
“Bằng cách kết hợp năng lực AI với các kỹ năng mềm và chuyên môn của con người, các cơ quan báo chí và người làm báo có thể nâng cao tính chuyên nghiệp, trong khi vẫn duy trì các giá trị như tính chính trực, minh bạch và các kết nối có ý nghĩa. Cũng phải nói rằng, người làm báo cần trung thực khi sử dụng các công cụ AI và duy trì tính chân thực của tin tức họ đưa ra”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long nhấn mạnh.