Hiện nay, cùng với tỷ lệ người hút thuốc lá cao, tiếp xúc với bụi khói và tình trạng ô nhiễm môi trường sống thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Bệnh đã và đang có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao trên thế giới cũng như ở nước ta.

Các báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy COPD ảnh hưởng đến 210 triệu người trên thế giới. Theo một thống kê, Việt Nam ước tính có tỷ lệ mắc COPD là 6,7%, cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên phạm vi toàn cầu, dự báo đến năm 2030, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Luận, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là ho khạc đờm mạn tính và khó thở.

Lúc đầu, bệnh nhân thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.

W-thuocla9.jpg
Người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc phổi tắc nghẽn mãn tĩnh cao nhất. Ảnh: Minh An

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất.

Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD. Hút thuốc lá làm tăng tốc độ giảm chức năng phổi hằng năm, gây triệu chứng hô hấp, phát sinh COPD. Nghiên cứu của PGS Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự tại Việt Nam đưa ra tỷ lệ COPD trong nhóm hút thuốc cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả 2 giới.

Các yếu tố nguy cơ khác như người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.

Bác sĩ Luận lưu ý những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD. Trong đó, nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi, trong khi ô nhiễm không khí trong nhà như khói từ các chất đốt củi, rơm rạ, than… đặc biệt ở nơi thông gió kém là các nguy cơ cao gây COPD.

COPD là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim. Đây là bệnh mãn tính, có thể điều trị được nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh (đỡ khó thở, đỡ ho khạc đờm, đờm về màu trắng, hết sốt…), duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm nguy cơ bệnh tiến triển như giảm tần suất các đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh này.

Khi bệnh ở giai đoạn ổn định, ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc... là khuyến cáo được đưa ra với bệnh nhân. Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn COPD tiến triển nặng lên.

Cùng đó, bệnh nhân nên tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm, vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần. Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị COPD. 

Minh An