Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vừa phối hợp với Công an tỉnh Nam Định triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ giấy tờ giả đặc biệt lớn. Chỉ trong vòng 1 tháng, các đối tượng đã sản xuất, mua bán hơn 5.000 văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả, thu số tiền bất chính là hơn 2 tỷ đồng.

Quá trình xác minh bước đầu xác định, các đối tượng sản xuất giấy tờ tài liệu giả quảng cáo trên mạng, sau đó có người đặt mua rồi chuyển phát bằng đường bưu chính hoặc xe ôm. 

Tang vật trong đường dây sản xuất văn bằng giả Bộ Công an triệt phá tại Nam Định. Ảnh: VTV

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty An Hoàng Gia (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hành vi mua văn bằng, chứng chỉ giả được luật quy định rất cụ thể. 

Theo luật sư Hải, hành vi mua bằng giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hình sự: Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải lưu ý thêm, Điều 341 nêu trên nhấn mạnh về việc "thực hiện hành vi trái pháp luật". Do đó, nếu mua giấy tờ giả nhưng chưa sử dụng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính. 

Cụ thể, về xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015, người có hành vi mua bằng giả sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người mua bằng giả còn có thể bị phạt bổ sung dưới hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.