Thông tin trên được điều dưỡng Nguyễn Hoài Minh Châu chia sẻ tại Hội nghị khoa học 2022 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vừa qua. Theo đó, bệnh nhân là người đàn ông 62 tuổi, ngụ tại Bình Dương, nhập viện vì sưng đau chân do kiến ba khoang. 

Khai thác bệnh sử cho thấy, khi đang làm rẫy, người này bị kiến ba khoang bò lên mu bàn chân. Ông giết kiến và gãi, đến tối thấy sưng đau nên bôi dầu nóng. 

Ngày hôm sau, vết thương xuất hiện các bóng nước nhỏ có mủ, đi lại khó chịu và đau. Người vợ lấy kim luộc nước sôi chích nặn mủ. Đến ngày thứ 3, chân bệnh nhân sưng to kèm bóng nước lớn, sốt, lạnh run nên lên TP.HCM và nhập viện. 

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, các bác sĩ nhận định ông bị viêm mô tế bào cẳng bàn chân do kiến ba khoang, điều trị kháng sinh. Những ngày sau đó, vết thương sưng nóng, sốt, chảy dịch vàng, có mô hoại tử đen. Việc sinh hoạt rất khó khăn vì bàn chân đau nhức, khó cử động, hoại tử da ở mặt bàn chân kích thước 15x20cm.

Chân bệnh nhân phỏng rộp, hoại tử sau tiếp xúc với kiến ba khoang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, quyết định phẫu thuật rạch áp xe viêm mô tế bào. Trải qua 4 ngày cắt lọc, vết thương vẫn còn thấm máu dịch tiết nhiều, hoại tử. Tình hình xấu hơn những ngày sau đó, cảm giác nóng và đỏ lan đến vùng háng. Vết thương bộc lộ rõ vùng gân cơ, tiếp tục được cắt lọc hoại tử cũng như điều trị kháng sinh. 

"Nguyên nhân khiến tình trạng viêm mô tế bào nghiêm trọng là do độc tố pederin của kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ mang, tiếp xúc với da khiến mức độ tổn thương tăng cao và do sai lầm khi xử lý vết thương tại nhà", báo cáo viên cho hay. 

Người bệnh được điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, thực hiện ghép da, hồi phục và xuất viện sau đó. Trong suốt quá trình điều trị, các điều dưỡng có kế hoạch chăm sóc rõ ràng, chi tiết đã góp phần đưa đến thành công cho ca bệnh.

Theo các bác sĩ, khi kiến ba khoang bị giết, dịch trong cơ thể kiến tiết ra và gây ra viêm da tiếp xúc. Triệu chứng bao gồm đỏ da, phồng rộp, mụn nước, mụn bỏng, đau rát, để lâu tiến tới loét da, nhiễm trùng. 

Hầu hết người bệnh có tổn thương kéo dài trung bình 7-15 ngày và khỏi hoàn toàn trong 2-3 tuần. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh tình trạng nhiễm trùng có thể cần tới kháng độc, corticoid, kháng sinh và chăm sóc chuyên sâu.