Hành động đẹp của các hộ dân là một minh chứng sinh động về hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao ở tỉnh Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Văn Duy, thôn Nà Sang, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từng là một hộ nghèo ở địa phương. Với tư tưởng không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình và vươn lên thoát nghèo.

Không những vậy, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thấy con đường giao thông nông thôn trước cửa gia đình mình chưa được bê tông hoá, ông đã tự nguyện phá bỏ tường rào, hiến đất để mở rộng lòng đường.

Ông Duy chia sẻ: “Con đường đi qua nhà tôi ngày trước rất bé, xe cộ đi lại tránh nhau khó khăn. Khi được cán bộ xã tuyên truyền về những lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2022, tôi đã tự nguyện cắt một phần đất của gia đình để mở đường. Đến đầu năm 2023, tôi tiếp tục hiến thêm một phần đất nữa để làm lề đường. Giờ đây, con đường được làm mới, đổ bê tông rộng gần 4m, xe cộ tránh nhau thoải mái, cảnh quan xanh - sạch - đẹp nên người dân ai cũng phấn khởi”.

Không chỉ chủ động hiến đất nhà mình, ông Duy còn tích cực đi đến từng nhà để vận động, tuyên truyền các hộ dân khác cùng hiến đất.

"Ở xã Vi Hương, việc hiến đất làm đường chưa có nhiều người hiểu. Bởi thế, nếu làm công tác vận động không tốt thì sẽ vô tác dụng", ông Nguyễn Văn Duy chia sẻ.

“Nhiều người không hiểu, họ thắc mắc với tôi rằng, tại sao Nhà nước lấy đất mà không đền bù tiền. Tôi đến từng nhà, vận động họ rằng, tất cả những gì chúng ta đang làm hôm nay là vì các con, các cháu. Làm một con đường to, tới đâu cũng thấy thuận tiện, xe cộ đi được đến tận nhà. Hiến một chút đất mà được lợi ích to lớn như vậy thì mọi người nên hưởng ứng”, ông Duy kể.

Ông cũng nhớ nhất là việc từng bí mật bỏ tiền túi của mình ra mua một cây mít của gia đình trong thôn để họ tình nguyện hiến đất. 

Theo ông Duy: "Gia đình này cũng chấp nhận hiến một phần đất của gia đình để mở đường. Tuy nhiên, trong phần đất đó lại có một cây mít lâu năm mà bố mẹ để lại, vậy nên họ không chịu. Không có đất thì không thể mở đường, cuối cùng tôi quyết định bỏ tiền túi mua lại cây mít đó với giá 500 nghìn đồng và đem về trồng ở trong vườn của gia đình mình”.

Được sự đồng thuận của các hộ dân, từ đầu năm đến nay, bằng nguồn vốn đầu tư của các Chương trình 135, nông thôn mới, các con đường trong thôn của xã Vi hương, huyện Bạch Thông đã được mở rộng và bê tông hoá. Những công trình này đã góp phần tạo thuận lợi trong đi lại, trao đổi hàng hóa cho nhân dân.

Với suy nghĩ nếu gia đình nào cũng đòi Nhà nước hỗ trợ đền bù thì số tiền giải phóng mặt bằng tương đối lớn, con đường sẽ ngắn lại; còn nếu không phải giải phóng mặt bằng thì cùng với số tiền đó sẽ thi công được tuyến đường dài hơn. Vì vậy, ông Lường Văn Thắng, thôn Tham Không, xã Quang Phong, huyện Na Rì đã cùng vợ là bà Lăng Thị Son bàn bạc thống nhất hiến 100m2 đất ruộng và 100m2 đất nền nhà để làm đường giao thông liên thôn Tham Không - Phiêng Quân, từ Chương trình 135 vào năm 2019.

Còn ông Lường Văn Bình, thôn Tham Không, sau khi biết Nhà nước đầu tư mở tuyến đường vào thôn đã vận động vợ con hiến đất nền nhà với diện tích 200m2, 420m2 đất vườn và đất ruộng hai vụ để mở mới tuyến đường vào thôn, giúp bà con có đường đi lại, phát triển kinh tế…

Ngoài gia đình ông Thắng, ông Bình, còn rất nhiều bà con thôn Tham Không đã tự nguyện hiến đất để làm đường. điển hình như gia đình bà Bàn Thị Thạch hiến 400m2 đất soi bãi và 300m2 đất ao; bà Triệu Thị Phượng hiến 500m2 đất nông nghiệp 2 vụ và 200m2 đất vườn; bà Triệu Thị Hiên hiến 500m2 đất nông nghiệp; bà Hứa Thị Bách hiến 400m2 đất soi bãi; bà Triệu Thị Hồng hiến 300m2 đất vườn; bà Trần Thị Hằng hiến 500m2 đất lâm nghiệp…

“Là một đảng viên, bản thân tôi và gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt khi triển khai làm đường giao thông nông thôn, mình phải tuyên truyền bà con nhìn vào lợi ích lâu dài của con đường”, bà Hà Thị Thắm, thôn Nà Vả, Xã Quang Phong chia sẻ.

Năm 2022, thôn Nà Vả được đầu tư bê tông hóa đoạn từ Thôm Luổm - Phiêng Vả với tổng mức đầu tư 1,967 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 521 triệu đồng, ngân sách Trung ương 1,373,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 73 triệu đồng.

Bà Nông Thị Hậu, Bí thư Chi bộ thôn Nà Vả, xã Quang Phong cho biết: Toàn thôn có 61 hộ với 32 đảng viên. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con rất hăng hái, nhiệt tình tham gia, đặc biệt là phong trào làm đường giao thông. Bởi vậy, đến nay toàn thôn đã bê tông hóa được hơn 2km đường, trong đó toàn bộ đất để mở đường đều do bà con hiến. Riêng năm 2022, toàn thôn có 13 hộ hiến đất với hơn 2.500m2.

Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, hàng chục hộ dân ở thôn Bản Chang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn cũng đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất vườn, ruộng, nương làm đường, nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, sân, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang; tuyến đường nội thôn được bê tông đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo thôn quê.

Năm 2018, gia đình ông Trần Văn Tuyến hiến khoảng 700m2 đất vườn, trên diện tích đó có một số cây trồng lâu năm. Từ diện tích đất của gia đình ông Tuyến hiến, chính quyền xã và các tổ chức khác cùng nhân dân đóng góp ngày công lao động, kinh phí xây dựng được nhà văn hóa, bê tông sân nhà văn hóa khang trang, đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới.

Nhiều hộ gia đình khác trong thôn Bản Chang cũng tích cực tham gia phong trào hiến đất để mở rộng và bê tông tuyến đường nội thôn. Nhiều gia đình cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng khi thôn vận động hiến đất mở đường đã không ngần ngại hiến hàng trăm m2 đất ruộng, nương cùng nhiều loại cây cối, hoa màu có giá trị trên đất để đóng góp cho phong trào làm đường giao thông của thôn. Điển hình trong phong trào này có gia đình ông Nông Văn Tòng hiến 400m2 đất nương; ông Nông Văn Phòng hiến 380m2 đất ruộng; ông Chu Văn Du hiến 270m2 đất ruộng và hàng chục hộ khác cũng hiến từ vài chục đến hàng trăm m2 đất ruộng, nương.

Bà Chu Thị Diều, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Chang cho hay,  những đóng góp của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc làm đường giao thông nội thôn sẽ cực kỳ khó khăn.

Có thể nói, đời sống của người dân Bắc Kạn đang dần thay đổi, giao thông thuận lợi hơn đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đắc Vịnh, Hồng Hạnh, Đình Thanh, Linh Trang, và nhóm PV, BTV