Mời quý độc giả theo dõi video:

Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, những năm qua, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của địa phương, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Xuân Sơn tăng qua từng năm. Trên địa bàn xã có gần 10 hộ đang kinh doanh dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay. 

Trung bình mỗi tháng, một hộ làm dịch vụ này thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng. Vào mùa cao điểm du lịch, có thể thu nhập từ 20 đến 30 triệu mỗi tháng. 

Chị Quỳnh Nga, người tiên phong trong xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Dù, xã Xuân Sơn chia sẻ, trước đây, gia đình chủ yếu làm chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi cá, trồng cây, thu nhập không cao. Đời sống khó khăn, thiếu thốn.

Khi được tham dự các lớp tập huấn về du lịch của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cùng sự khuyến khích của các cấp, các ngành, chị cùng chồng mạnh dạn vay vốn, đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng. Từ khi phát triển mô hình này, thu nhập của gia đình chị tăng lên đáng kể.

Ngoài dịch vụ lưu trú, homestay của chị cũng phục vụ du khách dịch vụ ăn uống ngoài trời, đốt lửa trại và mời bà con đến biểu diễn nghệ thuật bản địa. 

Sau khi thu được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho gia đình nhờ mô hình du lịch cộng đồng, chị Nga tích cực chia sẻ cách làm, kinh nghiệm của bản thân mình đến các hộ dân trong bản Dù. 

Dịch vụ kinh doanh lưu trú homestay đang được đánh giá như là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, bởi đây là hình thức kinh doanh không tốn nhiều kinh phí đầu tư, nhân công phục vụ lại cho thu nhập cao.

Cách bản Dù không xa là bản Cỏi với 100% người dân tộc Dao Tiền. Do điều kiện thổ nhưỡng khó phát triển về nông nghiệp nên du lịch cộng đồng là mô hình sinh kế giúp bà con đảm bảo cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Đặc biệt, nhờ công tác thông tin, tuyên truyền tích cực của địa phương, bà con được nâng cao dân trí, học hỏi được các mô hình hay, hướng phát triển kinh tế nhờ du lịch…

Nhiều hoạt động bảo tồn gắn với du lịch được đẩy mạnh. Đặc biệt, đây là khu vực còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống của người Dao Tiền như lễ cấp sắc, in hoa văn trên vải bằng sáp ong.

Những già làng, người có uy tín trong bản thường xuyên mở các lớp để truyền dạy cho thế hệ trẻ các điệu múa cấp sắc, vừa phục vụ văn hóa nghệ thuật cho du khách, vừa tạo ra sân chơi để lớp trẻ ở bản thêm yêu văn hóa quê hương, nêu cao tinh thần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên cho các thế hệ  sau.

Người dân bản Cỏi chú trọng phát triển đời sống thể thao lành mạnh. Họ bố trí một sân bóng chuyền rộng rãi. Khi khách có nhu cầu, bản sẽ mời đoàn tham gia giao lưu bóng chuyền cùng đồng bào dân tộc sinh sống trong bản.

Chính quyền xã xác định phải xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang mới có thể thu hút được du khách. Đây cũng là một trong các tiêu chí nông thôn mới được địa phương đẩy mạnh. 

Để thực hiện các tiêu chí này, từ nguồn xi măng được hỗ trợ, nhân dân đã hiến đất, đóng góp vật liệu và hàng trăm ngày công để bê tông hóa trục đường nội thôn. Đến nay, đường vào bản đã được bê tông hóa, trên 70% đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện. Tại các bản có cổng chào khang trang, hiện đại và đẹp mắt.

Những câu chuyện ghi được tại bản Cỏi, bản Dù ở Xuân Sơn cho thấy, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực để thu hút khách, mà còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đó cũng là một hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Nga  - Xuân Quý