Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, cho biết trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục, đề xuất nhu cầu biên chế giáo viên của các huyện/thành và các cơ sở giáo dục, năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La đề xuất nhu cầu với Bộ GD-ĐT cần bổ sung 2.688 giáo viên. 

Trong đó, cần bổ sung 1.536 giáo viên mầm non; 541 giáo viên tiểu học; 294 giáo viên THCS; 170 giáo viên THPT; 44 giáo viên phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT; 18 giáo viên THCS&THPT 18 và 85 giáo viên dạy cho trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nói về việc thiếu hụt giáo viên, ông Hoàng cho hay đến từ nhiều nguyên nhân như ngoài thu nhập không hấp dẫn, áp lực cao, còn do một số bất cập trong dự báo nhu cầu, kế hoạch đào tạo cho chương trình phổ thông mới... dẫn đến thiếu nguồn tuyển.

Cùng đó là thực trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành hoặc chuyển đến những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển... Bên cạnh đó, sức hấp dẫn về môi trường làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục, trường quốc tế cũng tạo nên nhu cầu chuyển việc của giáo viên.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng cho hay, Sở GD-ĐT Sơn La đã phối hợp với Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện/thành xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên theo chỉ tiêu biên chế số lượng người làm việc được giao để kịp thời chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023-2024.

Đối với các các cơ sở giáo dục trực thuộc, Sở đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình Sở Nội vụ thẩm định phê duyệt và đầu tháng 8/2023 đã thực hiện thông báo tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các trường THPT, trung tâm GDTX và các trường PTDT nội trú THCS&THPT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo đáp ứng giáo viên cho các cơ sở còn thiếu giáo viên, theo ông Hoàng, ngành GD-ĐT Sơn La sẽ thực hiện biệt phái giáo viên, cử giáo viên dạy hỗ trợ, phân công giáo viên dạy liên trường từ các cơ sở không thiếu cho các đơn vị còn thiếu giáo viên. 

Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số (dạy học online, lớp học ảo…) để góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, một số địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên theo Nghị định số 111 ngày 30/12/2022 của Chính phủ.

Có vị trí không có ứng viên nào đăng ký dự tuyển

Cũng theo ông Hoàng, một trong số những khó khăn của các tỉnh miền núi nói chung và Sơn La nói riêng là việc thiếu nguồn tuyển giáo viên, một phần do tâm lý e ngại khi phải lên công tác ở vùng điều kiện tế chưa phát triển.

“Hiện, ở một số địa phương, trong đó có Sơn La đang thiếu giáo viên, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Mặc dù Đảng, Nhà nước và tỉnh đã quan tâm bổ sung biên chế, có nhiều chính sách thu hút đối với giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn; tuy nhiên do các vùng khó điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường đăng ký tuyển dụng vào còn gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tuyển đủ, có vị trí không có ứng viên đăng ký dự tuyển dụng, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học (ở các môn Tin học, Ngoại ngữ)”, ông Hoàng nói.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, bất cập cũng nảy sinh khi các sinh viên dù được đặt hàng theo nghị định 116 nhưng việc tuyển dụng giáo viên vẫn phải theo Nghị định số 115 của Chính phủ. Do đó có khả năng dù đặt hàng nhưng địa phương vẫn không tuyển được giáo viên nếu các em thi tuyển trượt.

Ông Hoàng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế tuyển dụng đối với các sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng của các địa phương theo Nghị định số 116.

Nỗi ám ảnh của giáo viên mầm non

Nỗi ám ảnh của giáo viên mầm non

Về những áp lực đã trải qua, cô giáo mầm non Trần Thu Hương ở Hà Nội nói rằng nỗi ám ảnh lớn nhất với cô là mỗi tối về nhà nhận cuộc gọi của phụ huynh.