Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động trồng trọt xấp xỉ 661,5 nghìn tấn, trong đó: 550 nghìn tấn rác thải ni lông; 77,49 nghìn tấn rác thải bao bì, phân bón; 33,98 nghìn tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, trâu bò, gia cầm, gia cầm khoảng 6,93 triệu tấn và 77 nghìn tấn chất thải nhựa của bao thức ăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh 880 nghìn tấn chất thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn và chất thải khác.

Báo cáo kết quả nghiên cứu chất thải nhựa do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thực hiện cũng cho thấy, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm.

W-racthai.png
Trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm.

Nhận thức rõ được sự cấp thiết của vấn đề ô nhiễm nhựa, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng này, như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Kế hoạch hành động đề cập đến việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tăng cường thu gom và xử lý rác thải nhựa và kiểm soát nguồn rò rỉ nhựa cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ liên quan đến vấn đề chất thải nhựa.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn. Tại khoản 11 Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường khẳng định “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức giữa năm ngoái, báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, TS. Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, chất thải nhựa từ chăn nuôi mỗi năm phát sinh 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Đặc biệt, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm. Nguồn thải này do ý thức và thói quen của chủ tàu.

Theo TS. Nguyễn Giang Thu, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường, gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng Bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp quản lý, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân về giảm thiểu, thu gom, sử dụng chất thải nhựa ...

Nhóm PV