Petro Andryushchenko, Cố vấn của thị trưởng Mariupol, hôm 14/5 cho biết, một số nguồn tin trong nhóm chưa sơ tán cho rằng Nga đang chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của thành phố.

Theo ông Andryushchenko, thông báo về một cuộc trưng cầu dân ý có thể được đưa ra sớm nhất là vào ngày hôm nay (15/5), dù chưa có bằng chứng về việc thành lập các điểm bỏ phiếu.

“Chúng tôi có thông tin rằng, các nhà chức trách Nga đang chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý và thậm chí có thể kêu gọi nó vào ngày mai (15/5), nhưng chúng tôi vẫn chưa biết điều này có thật hay không”, cố vấn thị trưởng Mariupol nói, theo báo Guardian.

“Dù vậy, chúng tôi thấy rất nhiều sự tích hợp của Mariupol vào các hệ thống của Nga, như giáo dục và ngân hàng”, ông Andryushchenko tiết lộ thêm.

Moscow chưa đưa ra phản hồi trước thông tin này.

Trong khi đó, 5 người vợ và 1 người bố của các binh sĩ Ukraine đang cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã gửi lời thỉnh cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "giải cứu", khi cho rằng ông Tập là lãnh đạo cuối cùng trên thế giới mà Moscow có thể lắng nghe.

Phát biểu trong một buổi họp báo tại Kiev hôm 14/5, ông Stavr Vychniak - bố của một trong những người lính Ukraine còn ở lại nhà máy Azovstal, cho biết: “Chỉ còn một người duy nhất trên thế giới mà chúng tôi có thể nhờ cậy, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin, và chúng tôi muốn thỉnh cầu sự can thiệp của ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình)”.

Natalia Zarytska, vợ của một trong những binh sĩ Ukraine ở Azovstal, cũng nói rằng "chỉ còn một người trên thế giới này có thể khiến ông Putin gặp khó khăn để đưa ra lời từ chối", và kêu gọi ông Tập "tham gia việc giải cứu" thân nhân của mình. “Chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc, với sự mạnh mẽ và cao quý của mình, có thể đưa ra những quyết định nhân danh cái tốt cho vấn đề khó khăn này", bà Zarytska cho biết.

Nga tố an ninh Mỹ đe dọa các nhà ngoại giao

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, các nhà ngoại giao nước này ở Washington D.C. đang bị đe dọa bằng bạo lực và bị quấy rối bởi các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ.

Ông Antonov ví tình trạng hiện tại của Đại sứ quán Nga ở Mỹ giống như “một pháo đài bị bao vây”. “Về cơ bản, đại sứ quán của chúng tôi đang hoạt động trong một môi trường thù địch… Các nhân viên đại sứ quán đang nhận phải những lời đe dọa, bao gồm cả những lời đe dọa về bạo lực thể xác, vị đại sứ tiết lộ với TASS hôm 14/5.

Trụ sở Đại sứ quán Nga tại Ukraine. Ảnh: AP

“Đặc vụ từ các cơ quan an ninh của Mỹ luôn túc trực bên ngoài Đại sứ quán Nga, trao đổi với nhau các số điện thoại của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để thiết lập các mối liên lạc", ông Antonov nói, đồng thời cho biết kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, các cuộc tiếp xúc trực tiếp với quan chức Mỹ đã ngưng hoàn toàn.

CIA, FBI, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận trước thông tin trên.

Trước đó, hãng thông tấn RIA Novosti, dẫn lời Đại sứ Antonov, cho biết hoạt động của Đại sứ quán Nga tại Washington D.C. đã bị "phong tỏa", trong khi đó tài khoản ngân hàng của họ bị đóng và nhân viên ở đây bị đe dọa.

Ukraine cảnh báo thủy lôi gần bờ biển Odessa

Hội đồng thành phố Odessa (Ukraine) đã đưa ra lời cảnh báo đến người dân về sự xuất hiện của các thủy lôi nổi ngay gần một trong những bờ biển của thành phố.

Trong một thông báo được đưa ra hôm 14/5, Hội đồng thành phố Odessa cho biết: "Nằm cách bờ khoảng vài chục mét, các thủy lôi không gây ra mối đe dọa trực tiếp. Tuy vậy, chúng một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của việc bơi lội và các hoạt động hàng hải gần bờ khác".

Giới chức thành phố cảng phía tây nam Ukraine cũng cho biết thủy lôi sẽ được rà phá bởi các lực lượng đặc nhiệm, nhưng vẫn cảnh báo với người dân rằng: "Vì sự an toàn của chính mình, các bạn không nên đến gần các bãi biển và bờ biển, sử dụng tàu thủy hoặc thậm chí bơi lội".

Bên cạnh đó, Hội đồng thành phố Odessa nhấn mạnh rằng mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa vẫn còn hiện hữu.

Quán quân Eurovision sẵn sàng trở về Ukraine để chiến đấu

Phát biểu tại một buổi họp báo ở thành phố Turin (Italia) vào sáng 15/5, giọng ca chính Oleh Psiuk của Kalush Orchestra - nhóm nhạc Ukraine vừa giành ngôi vị Quán quân tại cuộc thi âm nhạc hàng đầu châu Âu Eurovision, cho biết anh và các thành viên trong nhóm nhạc của mình đã "sẵn sàng chiến đấu" một lần nữa sau khi về nước.

“Quyền được lưu trú tạm thời của chúng tôi còn 2 ngày nữa sẽ hết hiệu lực, và chính xác trong 2 ngày đó, chúng tôi sẽ trở lại Ukraine”, Psiuk cho hay. “Thật khó để nói chính xác tôi sẽ làm những gì, bởi đây là lần đầu tiên tôi giành được chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc Eurovision. Nhưng giống như mọi người dân Ukraine, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu hết sức có thể và sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng”.

Nhóm nhạc Kalush Orchestra của Ukraine trở thành Quán quân cuộc thi âm nhạc Eurovision năm nay. Ảnh: AP

Kalush Orchestra đã giành được ngôi vị cao nhất của Eurovision 2022, sau khi ca khúc "Stefania" do nhóm nhạc thể hiện đạt tổng điểm 631 từ giám khảo và khán giả, bỏ xa số điểm của Á quân Sam Ryder đến từ Anh (466 điểm). Trong đêm thi cuối cùng, Kalush Orchestra hát bằng tiếng Ukraine trước khoảng 7.500 người.

Hiện tại, chính phủ Ukraine cấm nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, toàn bộ 6 thành viên nam của Kalush Orchestra đã được đặc cách xuất ngoại để "đại diện cho đất nước và văn hóa Ukraine" tham dự cuộc thi âm nhạc hàng đầu châu Âu này.

Việt Anh