Quỹ Đổi mới ra mắt năm 2022, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đây là chương trình nhằm kết nối giữa bên mua, thường là chính phủ các nước thành viên, với những công ty khởi nghiệp (bên bán) để phát triển công nghệ quốc phòng.
Các công ty đầu tiên nhận được khoản đầu tư là các công ty châu Âu bao gồm: ARX Robotics của Đức - công ty chuyên thiết kế robot không người lái và 3 công ty khởi nghiệp khác ở Vương quốc Anh (công ty sản xuất chip Fractile, iComat và Space Forge chuyên sản xuất vật liệu không gian mới).
Quỹ này cũng rót tiền vào 4 quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ sâu, bao gồm: Join Capital, Vsquared Ventures, OTB Ventures và Alpine Space Ventures. Trong đó, khác với hầu hết những quỹ đầu tư mạo hiểm khác có thời gian đầu tư tối đa khoảng 10 năm, NATO sẽ đầu tư với thời hạn lên đến 15 năm.
NATO cho biết các khoản đầu tư dành cho những trung tâm công nghệ chuyên sâu nhằm thúc đẩy chủ quyền công nghệ của Liên minh.
Đại diện của khối từng cho biết vào năm 2022 rằng thách thức chính của NATO là thu hẹp khoảng cách với các công ty đổi mới sáng tạo do quân đội không phải lúc nào cũng sở hữu những công nghệ phòng thủ mới nhất, trong khi các công ty tư nhân không nắm được nhu cầu của quân đội là gì. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc phòng và chính phủ nhìn chung không có quy trình đấu thầu mua sắm nhanh chóng.
Quỹ Đổi mới NATO được hỗ trợ bởi 24 trong số 32 quốc gia thành viên của khối hiệp ước quân sự. Trong đó Mỹ, Canada và Pháp là những thành viên chưa đồng ý hỗ trợ.
Kể từ năm 2019, NATO đưa không gian trở thành lĩnh vực ưu tiên với Chính sách Không gian và coi đây là mặt trận tác chiến mới bên cạnh trên không, biển, đất liền và không gian mạng.
“Đổi mới làm thay đổi bản chất của chiến tranh và bạn cần phải thích nghi với cả tư cách bên phòng thủ và bên tấn công”, David van Wheel, trợ lý Tổng thư ký NATO nói.