TRUNG QUỐC - Lưu Nhân Trạch trở thành thí sinh duy nhất ở Trung Quốc năm 2024 được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa ở tuổi 14.
Tối 26/7, Đại học Thanh Hoa công bố danh sách thí sinh trúng tuyển lớp tài năng trẻ Toán học năm 2024. Trong đó, Lưu Nhân Trạch (học sinh lớp 8/1, Trường THCS Ngoại ngữ Trịnh Châu) trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nước này khi là thí sinh nhỏ tuổi nhất năm nay đỗ đại học hàng đầu châu Á.
Mùa thu tới, Nhân Trạch chính thức trở thành tân sinh viên của Đại học Thanh Hoa. Điều này đồng nghĩa với việc nam sinh không cần tham gia kỳ thi tuyển cấp 3 và đại học. Quá trình học của Nhân Trạch diễn ra 8 năm liên tục, với mô hình đào tạo "3+2+3": 3 năm đại học, 2 năm thạc sĩ và 3 năm tiến sĩ.
Về phía nhà trường, đại diện ban tuyển sinh cho hay: "Năm nay, Nhân Trạch là học sinh duy nhất của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) được chọn vào chương trình. Đồng thời, em cũng là học sinh cấp 2 đầu tiên của tỉnh đỗ vào Đại học Thanh Hoa. Việc một học sinh cấp 2 không cần tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và đại học là trường hợp hiếm gặp của tỉnh".
Ngoài tài năng thiên bẩm về Toán học, nam sinh có nhiều tài lẻ khác. Trong quá trình học tập, Nhân Trạch luôn chăm chỉ và không ngừng nỗ lực hướng đến sự hoàn hảo. Tân sinh viên Đại học Thanh Hoa còn có sở thích tìm tòi khám phá điều mới, dám nghĩ dám làm. Phẩm chất này đã tạo nên nền tảng vững chắc giúp Nhân Trạch tiến thẳng vào đại học ở tuổi 14.
Ở Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa là ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ học sinh. Kết quả này của Nhân Trạch không chỉ khiến mọi người tò mò, còn khơi dậy sự quan tâm của phụ huynh về việc bố mẹ nam sinh đã phát hiện và nuôi dưỡng tài năng của con thế nào.
Bố mẹ Nhân Trạch tiết lộ, từ nhỏ con đã thể hiện năng khiếu Toán học đặc biệt. "Sau nhiều năm được đào tạo bài bản và rèn luyện qua các cuộc thi Toán học lớn nhỏ, cuối cùng con cũng hái quả ngọt đầu tiên".
Thành công của Nhân Trạch phản ánh sự kết hợp chặt chẽ giữa tài năng và nỗ lực. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, đối với những học sinh năng khiếu việc bồi dưỡng kịp thời rất quan trọng.
Câu chuyện của Nhân Trạch mở ra cuộc thảo luận giữa các chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc. Một là, làm thế nào để xác định và bồi dưỡng tài năng của trẻ? Hai là, làm thế nào để tích hợp mô hình giáo dục cá nhân hóa và giáo dục truyền thống? Ba là, cải cách hệ thống giáo dục truyền thống lấy thi cử làm trọng tâm.
Họ nhấn mạnh đến việc không ngừng cải tiến các chính sách giáo dục và thúc đẩy kế hoạch đào tạo nhân tài. Bằng cách này những thanh thiếu niên tài năng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất hiện.
Theo các chuyên gia kết quả của Nhân Trạch không chỉ thể hiện sự xuất sắc của cá nhân, còn phản ánh tầm quan trọng trong việc phân bổ tối ưu nguồn lực giáo dục hiện nay của đất nước này.
Chương trình đào tạo tài năng trẻ Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng (thuộc Đại học Thanh Hoa) tuyển dụng và đào tạo học sinh khắp nơi trên thế giới có tiềm năng và chuyên môn Toán đặc biệt. Mục đích của chương trình là đào tạo nhóm tài năng trẻ hàng đầu thế giới có khả năng dẫn dắt hoặc phát triển Toán học cơ bản và các lĩnh vực ứng dụng liên ngành.
Chỉ tiêu mỗi năm không quá 100 thí sinh. Những sinh viên được tuyển thuộc Khoa Toán và Toán học ứng dụng của Đại học Thanh Hoa. Họ được đào tạo tại Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng và áp dụng mô hình “3+2+3”, quá trình diễn ra liên tục 8 năm từ đại học đến tiến sĩ. Quy trình tuyển chọn, diễn ra 4 ngày liên tục.