Năm Giáp Thìn khiến ta nghĩ tới câu chuyện cổ tích Cá chép hóa Rồng sau khi vượt Vũ môn. “Ông Rồng vàng” ấy đã phun mưa tưới nhuần mặt đất, cây cối tốt tươi đem lại sức sống mới cho muôn loài.
Một sự thay đổi, làm mới hơn những cái mới, cũng là cách nói mộc mạc về bản chất của một cuộc cách mạng. Công cuộc đổi mới trên cánh đồng đất nước gần 40 năm qua đã mang lại những mùa vàng trĩu hạt. Nhưng trong sự đi lên bắt đầu xuất hiện những lực cản, những vấp váp, những thụt lùi, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Mấy năm trước, tại đại hội Đảng bộ các cấp, một số ý kiến cho rằng, cần có một cuộc “Đổi mới lần thứ hai”. Lại cũng có ý kiến, cần có một “Hội nghị Diên Hồng” trong thời mở cửa để thống nhất ý chí và hành động, chớp thời cơ, vượt lên mọi gian nan, thử thách, quyết chiến thắng đói nghèo, xây dựng đất nước phồn vinh.
Vâng, đó là tâm huyết, là nguyện vọng thiết tha của người dân đất Việt. Nhưng chúng tôi đã thấy những ý kiến từ chính những người lãnh đạo đất nước, các học giả, người lao động cho rằng, tuy chưa có một “Hội nghị Diên Hồng” nào ở “Bến Bình Than” nào trong những năm qua, nhưng “tinh thần của Diên Hồng” thì luôn xuất hiện, luôn bừng dậy trong công cuộc chấn hưng đất nước. Các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đều xác tín một niềm tin, một quyết tâm chính trị rất cao, hướng tới mục tiêu cao cả nhất: Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không có sự bằng lòng, bàn lùi, hoặc ngập ngừng tiến - thoái. Điều đó khiến ta liên tưởng lại sự kiện từ hơn 700 năm trước. Bấy giờ “cơn bão đen” đã kề biên giới phía Bắc nước ta. Liệu ta có quyết “đánh” hay “không đánh”? Hòa với giặc nghĩa là mất tất cả, còn nếu toàn dân đồng lòng để đánh thì có thể giữ được tất cả. Nghe Thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi kế đánh giặc, các bô lão muôn người cùng hô một tiếng: “Đánh!”. “Muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tiếng hô quyết đánh rung chuyển cả điện Diên Hồng.
Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các vị bô lão có thể coi là những đại biểu của dân. Trăm họ đồng lòng cho nên giặc Nguyên - Mông hung hãn và hùng mạnh nhất thời đó, cả ba lần xâm lược đất Việt (các năm 1258, 1285 và 1287 - 1288) đều “chuốc lấy phần thua”.
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” đã có từ rất sớm. Tư tưởng ấy sáng lên trong “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt); “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”(Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn); “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi)... Lê Lợi thắng vì quân không quá vài mươi vạn nhưng ai cũng một lòng. Cống hiến to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi là dựa vào sức mạnh của nhân dân, từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Sau này, trong thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa truyền thống cha ông, vận dụng sáng tạo Đường lối chiến tranh nhân dân, đánh thắng các kẻ thù trong các hoàn cảnh, điều kiện tưởng như không thể thắng.
Ý Đảng lòng dân
Ngày nay, những năm 20 thế kỷ 21, thế giới đã bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, tiến hành Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đâu đâu cũng nói tới những khái niệm cơ bản trong “thời đại số”: dữ liệu, thông tin và tri thức. Nói đến vai trò của nhân dân trong lúc này là nói đến vai trò của người làm chủ trong nền kinh tế tri thức, nói đến một thế hệ công dân toàn cầu, công dân thế hệ Z (sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời, phát triển Internet). Nhưng thời nào muốn xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì ý Đảng - lòng Dân phải là một. Bởi vì Đảng ta là đại biểu trung thành lợi ích của dân tộc, như Bác Hồ nói: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Lâu nay ta thường nhắc tới tư tưởng của các nhà tư tưởng, triết gia lớn phương Đông: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó có một câu tiếp theo rất đáng chú ý: “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm”, nghĩa là: Lấy chúng sinh làm tâm của mình. Điều mà quần chúng mong ước cũng là điều mỗi cá nhân, nhất là người thủ lĩnh trăn trở, lo trước, vui sau thiên hạ. Thời nào cũng vậy, hiền tài vốn khiêm cung, giống như nước càng sâu sông càng tĩnh lặng. Con chim hót hay thường không hót, nhường bạn và lắng nghe. Người xưa đúc kết, “chim khôn chọn cây mà đậu, người hiền chọn chúa mà thờ”.
Mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng cũng là khát vọng của Dân. Đảng ta khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam: (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011). Trên con đường lớn của dân tộc, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được người dân tham gia, đóng góp ý kiến. Đồng thời, Nhân dân chính là lực lượng to lớn để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng của Đảng. Mọi chủ trương, chính sách ấy muốn sát thực tiễn thì phải “đi ra” từ cuộc sống đang từng ngày thay đổi trong những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của thế giới hôm nay. Đó là thiên tai, dịch bệnh, là tác động của các cuộc tranh giành địa chính trị giữa các cường quốc, xung đột vũ trang. Những chủ trương, chính sách ấy khi đã được bàn thảo, quyết định lại “đi vào” cuộc sống bằng những kế hoạch, giải pháp cụ thể, và bao giờ cũng bắt đầu từ những con người cụ thể, trước hết là người đứng mũi chịu sào.
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã rút ra bài học thành công: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Để dân thật sự là gốc thì quyền làm chủ không chỉ được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật, mà bằng nhiều phương tiện khác, như báo chí và truyền thông, các thiết chế quy chế dân chủ ở cơ sở. Người dân được bày tỏ chính kiến thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Và cho dù đề đạt nguyện vọng trực tiếp hay gián tiếp đều được tôn trọng, lắng nghe để Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương.
Những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược trong chặng đường đi tới đã được Đảng ta xác định trong các văn kiện quan trọng, nhất là Văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Cụ thể là: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với những thành tựu đạt được trong ba năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được giữ vững. Một minh chứng sống động nhất là qua hai năm kiên cường chống chọi đại dịch Covid-19, chúng ta đã chuyển hướng mạnh mẽ từ thực hiện “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”. Nhờ đó đã bảo đảm mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Hai năm “chống dịch như chống giặc” đã ngời lên bản lĩnh, ý chí và nhân nghĩa Việt Nam, với biết bao câu chuyện cảm động về lòng nhân ái, đức hi sinh của đồng bào, đồng chí, đặc biệt là các thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch.
Trong những lúc hiểm nghèo như thế, càng thấm thía sức mạnh của sự thống nhất ý Đảng - lòng Dân. Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Mía chẳng ngọt hai đầu” - mọi việc trên đời chẳng bao giờ là như ý, là tuyệt đối cả. Cái như ý nằm trong cái mà số đông mong muốn. Nếu không lắng nghe ý kiến của dân, không “dám làm, dám chịu trách nhiệm”, kịp thời thay đổi chủ trương chống dịch thì chắc chắn những mối nguy hại của cơn bão dịch còn khủng khiếp hơn nhiều.
Vẫn biết trong bức tranh tươi sáng còn lẩn khuất nhiều khoảng tối. Vẫn còn không ít cán bộ tham nhũng, quan liêu, lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để trục lợi, kiếm tiền bất chính. Kiếm tiền trên lưng người lao động, trên lưng người bệnh, thật sự là bất lương. Phiên tòa công lý, phiên tòa lương tâm đã và còn tiếp tục phán xử. Đạo đức chính là tấm lưới cuối cùng để ngăn chặn tham nhũng. Trong ba nhiệm kỳ Đại hội 11, 12, 13, Trung ương đều ban hành Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Con số 4 như một “hằng số” của niềm tin”. Niềm tin của Dân với Đảng bao giờ cũng bắt đầu từ những sự thật nóng hổi, giản dị mà lớn lao, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của Dân tộc.
Ngay trong những ngày cuối năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, nhiều vấn đề “nóng” được nêu lên trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sòng phẳng. Minh bạch. Trách nhiệm. Người hỏi đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất và cũng là tiếng nói của Dân. Người trả lời vừa thay mặt Đảng, chính quyền và cũng là thể hiện trách nhiệm “công bộc” của Dân. Đó là những dấu hiệu tích cực trước thềm năm mới, trước những biến chuyển của tình hình đất nước, liên quan chặt chẽ đến tình hình khu vực và thế giới.
Tình hình mới đòi hỏi tầm nhìn mới, cách làm mới vì sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đổi mới tư duy và hành động chính là yêu cầu cốt lõi của đổi mới và chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Làm mới chính mình, như mây thanh tân, như tơ non lộc biếc, nhuận sắc, ngát hương trước vĩnh cửu mùa xuân./.
Hải Đường
Niềm tin của dân với Đảng bao giờ cũng bắt đầu từ những sự thật nóng hổi, giản dị mà lớn lao, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của Dân tộc.