Trao đổi với báo chí về đất rừng Sóc Sơn, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, nơi đây từng là Lâm trường Sóc Sơn và một số diện tích là do chính quyền sở tại giao cho người dân để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Theo ông Lê Minh Tuyên, khi Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân để sản xuất lâm nghiệp thì phải trồng rừng, phải sản xuất lâm nghiệp. Nếu không trồng rừng nữa thì phải trả cho Nhà nước, không được phép sử dụng trái mục đích.
“Việc chuyển nhượng đất rừng là bất hợp pháp, chính quyền xác nhận là bị xử lý. Người dân chỉ được chuyển nhượng thừa kế tài sản trên đất rừng, chứ không được chuyển nhượng đất", ông Tuyên nói.
Vi phạm đất rừng Sóc Sơn có sự gia tăng
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến ngày 9/8, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng. Trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép, 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền xã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, công trình xây dựng vi phạm đất rừng Sóc Sơn có sự gia tăng. Theo ông Tuyên, tất cả công trình xây dựng trái phép xảy ra trên đất lâm nghiệp ở huyện Sóc Sơn đều được kiểm lâm địa bàn lập biên bản.
Ông Lê Minh Tuyên cho biết, quá trình thi hành công vụ, có trường hợp khi lực lượng kiểm lâm phát hiện người dân xây dựng trái phép thì họ "không thèm tiếp" với lý do việc xử lý công trình vi phạm, kiểm tra giấy phép xây dựng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho rằng, Sóc Sơn cần phải đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định.
Báo cáo của huyện Sóc Sơn cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, có 187 công trình sai phạm trong đất rừng phòng hộ. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 đã xử lý hơn 300 trường hợp…
Trước đó, vào tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ gần 3.000 trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.