Ngày 11/8, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) trao đổi với báo chí về tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Ông Tuyên cho hay ngày 9/8, Chi cục đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT về tình hình san ủi và xây dựng trái phép trên đất rừng tại địa bàn Sóc Sơn.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay tại địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
“Hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trên đất trống, không có hành vi chặt cây, khai thác cây rừng. Do vậy Hạt kiểm lâm số 4 đã phối hợp với chính quyền xã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo kịp thời UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền”, ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cho hay đây không phải là lần đầu tiên Sở NN&PTNT đề nghị huyện Sóc Sơn xử lý các sai phạm về đất lâm nghiệp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đên nay Sở NN&PTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.
Ông Tuyên cho biết, theo quyết định 2100 ban hành năm 2008 của UBND TP Hà Nội, thì toàn bộ đất rừng ở Sóc Sơn là 4.445 ha. Trong đó huyện Sóc Sơn quản lý khoảng 2.300 ha, diện tích còn lại do Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội) quản lý.
Sau này, UBND TP Hà Nội có quyết định giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Giai đoạn năm 2020-2021, huyện Sóc Sơn mới bàn giao đợt một một được khoảng 1.150 ha, còn khoảng 1.200 ha chưa bàn giao.
“TP Hà Nội đã có chỉ đạo huyện Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng… xong mới bàn giao”, ông Tuyên nói và cho biết nguyên nhân đến nay phía huyện Sóc Sơn chưa bàn giao được 1.200 ha rừng còn lại.
Theo ông Tuyên khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
“Do đó, địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. Không giải quyết được mấu chốt này, thì việc xâm phạm rừng Sóc Sơn sẽ muôn thủa”, ông Tuyên nói.
Sau vụ sạt lở đất, đá vùi lấp 13 ô tô vào sáng 4/8 tại xóm Ban Tiện (xã Minh Phú, Sóc Sơn) làm lộ ra hàng loạt homestay, công trình kiên cố xây dựng xâm phạm đất rừng tại khu vực này.
Qua tìm hiểu, toàn bộ các công trình này được xây dựng vào các năm 2021, 2022 chỉ sau hai năm TP Hà Nội ra kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất rừng tại địa bàn huyện Sóc Sơn.
Tương tự tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, Sóc Sơn) hiện trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng diễn ra trầm trọng. Chỉ trong hai năm 2022, 2023, xã Minh Trí phải cưỡng chế phá dỡ gần 30 công trình xây dựng kiên cố, phá dỡ 268 lều nhỏ trong rừng ở khu vực ven hồ Đồng Đò.
Báo cáo của huyện Sóc Sơn cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, có 187 công trình sai phạm trong đất rừng phòng hộ. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 đã xử lý hơn 300 trường hợp…
Trước đó, vào tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ gần 3.000 trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.