Số liệu của Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát quy hoạch điện 8 cho thấy công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 có những thay đổi mạnh.
Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930MW (không tính điện mặt trời và các nguồn đồng phát). Quy hoạch điện 8 tính toán phương án điều hành theo kịch bản nhu cầu sử dụng điện cao, có tính thêm mức dự phòng 15% công suất nguồn điện. Việc này là nhằm dự phòng trường hợp tỷ lệ thực hiện phát triển các nguồn điện lớn chỉ đạt được khoảng 85% công suất nguồn điện theo quy hoạch.
Sự thay đổi đáng kể nhất là tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí trong hệ thống điện Việt Nam và nguồn điện gió trên bờ cũng như ngoài khơi.
Công suất lắp đặt nhiệt điện khí (cả khí nội và khí LNG) chiếm tới hơn 26%, cao hơn một chút so với công suất nhiệt điện than đến năm 2030. Đây là điểm khác biệt nhất so với các quy hoạch điện trước đây khi giảm dần quy mô công suất nhiệt điện than nhằm thực hiện cam kết toàn cầu tại COP26 (Có 11 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 12.960 MW đang trong quá trình xây dựng và sẽ đưa vào vận hành tới năm 2030).
Theo Bộ Công Thương, nguồn điện gió trên bờ cần đưa vào vận hành thêm khoảng 12.000 MW trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó có khoảng 2.800 MW tại miền Bắc cần đưa vào từ năm 2024-2025 để đảm bảo cấp điện. Hiện tại, do chưa phê duyệt Quy hoạch điện 8 nên các nguồn điện này chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai.
Ngoài ra, nguồn điện gió ngoài khơi cũng được quy hoạch lên đến 7.000MW vào năm 2030 (3.000 MW tại miền Nam và 4.000 MW tại miền Bắc). Bộ Công Thương cho rằng nguồn điện gió ngoài khơi tại miền Bắc cần đưa vào vận hành sớm từ năm 2027 để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ, cơ sở pháp lý, chính sách giá và các cơ chế đi kèm cho điện gió ngoài khơi đến nay vẫn còn chưa được ban hành. Vì vậy, để năm 2030 công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi đạt 7.000MW là điều rất khó khăn cho dù nhiều tập đoàn trong nước cũng như nước ngoài đang dành sự quan tâm cao độ đến nguồn điện này.
Tính chung công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo trong dự thảo điện 8 là trên 21%. Có thể thấy giai đoạn từ nay đến 2030, điện gió có cơ hội phát triển và gia tăng công suất lắp đặt, trái ngược với điện mặt trời. Bộ Công Thương không muốn phát triển mạnh thêm điện mặt trời quy mô lớn mà chỉ tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm cả những dự án đã hoàn thành thi công) trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.428 MW.
Bộ Công Thương giải thích: Lý do là nếu đưa vào giai đoạn trước năm 2030 sẽ làm cho tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao (khoảng 26% tổng công suất toàn hệ thống), ảnh hưởng đến khả năng vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện và ảnh hưởng đến vận hành kinh tế các nguồn thủy điện, nhiệt điện và bao tiêu khí hiện có.
Nhìn chung, theo Bộ Công Thương, khi phải giảm khoảng 18.000 MW điện than vào năm 2030 nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Quy hoạch điện 8 đã thay thế công suất điện than này bằng khoảng 14.000 MW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG, còn lại bù bằng 12-15.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (đối với điện gió) và 1/4 (đối với điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí).
Cũng chính vì vậy, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát) có cao hơn so với mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW (125-130.000 MW), nhưng phù hợp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và các nguồn điện nền sạch hơn (LNG) để đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.