Ở tuổi 40, chị Nguyễn Trang Nhung (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận mình đang "làm mẹ toàn thời gian". Chồng không còn, chị nuôi dạy các con (15, 13, 8 và 2 tuổi) với sự hỗ trợ của bố mẹ đôi bên.
“Không nỗi đau nào bằng mất người thân đột ngột. Cuộc sống của mẹ đơn thân cũng không dễ dàng, nhưng tôi luôn cố gắng để các con có cuộc sống tốt nhất”, chị chia sẻ với Zing.
4 lần sinh mổ
Chị Nhung kết hôn khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa, khi 27 tuổi. Một năm sau, chị sinh con gái đầu lòng. Bé phải cai sữa lúc 15 tháng tuổi vì mẹ mang bầu.
Năm 2010, chị Nhung đón bé gái thứ 2 chào đời.
“Chồng nói dừng lại ở 2 con, đồng thời tôi liên tiếp sinh mổ nên cũng sợ nguy hiểm. Thế nhưng, con vẫn đến với gia đình. Tháng 4/2015, tôi một lần nữa phát hiện có thai”, chị kể.
Con trai út vừa ra đời, chồng chị Nhung bất ngờ mất vì đột quỵ. Đây là một trong những khoảnh khắc cuối của hai vợ chồng. |
Cuối năm 2015, chị Nhung sinh con gái thứ 3 khi 35 tuổi.
Lúc này, người mẹ nghỉ công việc để ở nhà chăm sóc các bé. Ông xã chị đi làm lo kinh tế và ông bà nội, ngoại hỗ trợ thêm.
Cứ nghĩ đó là con út, chị Nhung một lần nữa có tin vui dù uống thuốc tránh thai suốt nhiều năm.
“Tôi vừa mừng vừa lo vì đã 40 tuổi, sức khỏe yếu hơn nhiều”, chị nhớ lại.
Tháng 5/2021, chị Nhung sinh con trai út. Hạnh phúc đến với gia đình chưa đầy 2 tháng thì chồng chị qua đời vì đột quỵ.
“Đúng lúc Hà Nội phong tỏa, gia đình rất sợ tôi gục ngã và bị trầm cảm. Nhờ người thân, thầy cô của các con, bạn bè của 2 vợ chồng ở khắp nơi gửi lời động viên và giúp đỡ cả về vật chất, tôi được tiếp thêm sức mạnh vượt qua mất mát, mạnh mẽ sống tiếp”, chị xúc động kể.
Dù đau buồn trước biến cố quá lớn, chị Nhung dặn lòng sống bình thường như khi ông xã vẫn còn để động viên các con. Nhưng chị cũng hiểu rằng không có cách nào để bù đắp tình cảm của người cha cho 4 bé.
Con cái là niềm hạnh phúc
Sau khi bố qua đời, các con của chị Nhung phải học online một năm vì dịch bệnh. Chị vừa bán hàng qua mạng để có thu nhập, vừa cùng đồng hành với bé thứ 3 đi hết lớp 1.
Ngày trước, chồng thường đưa con đi học, giờ chị Nhung một mình đưa đón các bé. Chị tìm được công việc phù hợp là làm giúp việc theo giờ để có thời gian chăm sóc gia đình.
“Làm nghề nào cũng được, miễn là lương thiện”, chị tâm niệm.
Hiện tại, chị Nhung làm bảo mẫu trông bé một tuổi. Chị làm theo giờ hành chính, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Chị cũng bán thêm hàng online để tăng nguồn thu.
Tuy nhiên, thu nhập của một mình chị Nhung không đủ trang trải cho cả nhà. Với mức chi tiêu cho việc nuôi dạy con là 15 triệu đồng/tháng, chị được bố mẹ đôi bên hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng.
“Chi tiêu tốn kém nhất là tiền ăn học của 3 bé lớn, tiền bỉm sữa của bé út. Giá cả sinh hoạt leo thang khiến cuộc sống của 5 mẹ con tôi gặp khó khăn hơn. Thầy cô thương cũng giảm phí học thêm cho các con. Các bạn học của 2 vợ chồng cũng hỗ trợ mẹ con tôi vượt qua những khó khăn ban đầu”.
Chị Nhung nuôi dạy 4 con với sự hỗ trợ của bố mẹ. Cuối tuần được nghỉ, chị thường cho các con đi chơi thay đổi không khí. |
Chị Nhung tự hào kể 2 con gái đã lớn và hiểu chuyện, tự đạp xe đi học, về làm bài tập xong thì giúp mẹ việc nhà, trông em bé. Chị lớn còn hỗ trợ dạy các em học bài. Nguồn động viên tinh thần của chị còn là bố mẹ đôi bên.
“Ông bà giờ cũng có tuổi, tôi chỉ mong tất cả được khỏe mạnh. Tôi không thể gánh vác nếu chỉ có một mình”.
Hàng ngày, chị Nhung thức dậy lúc 6h, chuẩn bị đồ ăn cho các con, đến 7h30 đưa bé thứ 3 đi học. Chị đi làm 8h-17h rồi về đón con, nấu cơm, ăn uống, tắm giặt cho 2 bé nhỏ, dạy bé thứ 3 học bài đến 21h.
Cuối tuần, người mẹ cho con về ngoại hoặc đi chơi để thay đổi không khí.
Sắp tới đợt nghỉ hè, chị Nhung dự định sau khi con gái cả thi vào lớp 10, chị cho các bé đi tàu xuống Hải Phòng ăn vặt một chuyến.
“5 mẹ con tôi chưa đi tàu hỏa bao giờ nên muốn trải nghiệm. Đến giờ, sau nhiều thăng trầm, tôi không nghĩ mình bất hạnh vì còn các con ở bên. Với tôi, được nhìn con khôn lớn là niềm hạnh phúc lớn nhất”, chị nói.
Theo Zing