icon icon

Phải mất tám giờ và 250.000 USD để được tận mắt chứng kiến những gì còn sót lại của RMS Titanic, cách bờ biển St. John's, Newfoundland khoảng 600km.

Vào ngày 18/6 vừa qua, năm người lên tàu lặn Titan để thực hiện hành trình đó. Con tàu mất liên lạc chỉ 1 giờ 45 phút sau khi khởi hành. Chiều ngày 22/6, lực lượng Tuần duyên Mỹ xác nhận các mảnh vỡ tìm thấy cách mũi tàu Titanic 488 mét ở độ sâu gần 4.000 mét là của tàu lặn Titan mất tích.

Tàu lặn Titan đã bị ép nổ tung trên hành trình thăm xác tàu Titanic. Ảnh: OceanGate

"Những mảnh vỡ cho thấy một vụ ép nát thảm khốc đã xảy ra ở khoang kháng áp", chuẩn đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger cho hay. Toàn bộ 5 người trong khoang thiệt mạng.

Bất chấp sự nguy hiểm khi di chuyển ở độ sâu gần 4.000 mét dưới đáy biển, nhiều người vẫn sẵn sàng trả rất nhiều tiền để được tận mắt nhìn thấy Titanic.

Hơn một thế kỷ sau vụ chìm tàu, sự quan tâm đến Titanic vẫn chưa bao giờ thuyên giảm. Mặc dù, mọi người đều có thể thỏa mãn trí tò mò bằng cách ghé thăm các viện bảo tàng, triển lãm hay những bộ sưu tập về xác tàu. Nhưng nếu ai có đủ khả năng tài chính và niềm đam mê bất tận, họ sẽ lựa chọn tham gia trải nghiệm mạo hiểm này.

Bất chấp những lo ngại về an toàn và nguy cơ làm hư hại thêm xác tàu đắm, hoạt động lặn biển ngắm tàu Titanic vẫn diễn ra suốt hơn 20 năm qua. Và dưới đây là mặt tối của ngành du lịch béo bở ăn theo xác tàu Titanic. 

Tranh nhau xác tàu

Mãi đến năm 1985, một đoàn thám hiểm do nhà thám hiểm Robert Ballard và nhà hải dương học người Pháp Jean-Louis Michel dẫn đầu mới phát hiện ra vị trí cuối cùng của Titanic.

Ngay sau đó, Ballard đã kêu gọi Quốc hội Mỹ coi xác tàu là một "đài tưởng niệm hàng hải". Vào tháng 7/1986, Ballard đã đặt một tấm biển lên con tàu, yêu cầu không để nơi này bị xáo trộn để tưởng nhớ hơn 1.500 hành khách đã thiệt mạng trong thảm kịch. 

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, sự cạnh tranh xem ai sẽ được phép trục vớt các cổ vật từ con tàu ngày càng nóng lên. 

Nhiều đơn vị và tổ chức tranh nhau quyền được trục vớt và bảo tồn xác tàu Titanic. Ảnh: Telegraph

Nỗ lực trục vớt chính thức đầu tiên được thực hiện bởi Titanic Ventures Limited Partnership (TVLP) và L'Institut Français de Recherche pour l'Exploitation de la Mer vào năm 1987, khi khoảng 1.800 hiện vật được thu thập và bảo tồn. Năm 1992, một tòa án liên bang phán quyết TVLP là đơn vị cứu hộ đầu tiên và duy nhất của Titanic. 

TVLP hiện đổi tên thành RMS Titanic Inc. Công ty đã thực hiện tám chuyến thám hiểm tới Titanic và bán đấu giá hơn 5.000 đồ vật được lấy từ con tàu, bao gồm cả đồ trang sức và một phần của cầu thang lớn của Titanic.

Trong khi các cuộc chiến giành quyền trục vớt đang nổ ra tại tòa án thì những hành trình thám hiểm tới xác tàu Titanic vẫn tiếp tục, tạo ra một thị trường du lịch tuy nhỏ nhưng đắt đỏ.

Thập kỷ du lịch Titanic

Các nhà nghiên cứu, những người trục vớt và thậm chí cả các nhà làm phim như James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn Titanic năm 1997, đã thực hiện vô số chuyến đi đến xác tàu. Và tất nhiên, hành trình này cũng dành cho cả những du khách ưa mạo hiểm.

James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn Titanic năm 1997, đã thực hiện chuyến đi đến xác tàu thật. Ảnh: BBC

Năm 1998, công ty Deep Ocean Expeditions của Anh là một trong những công ty đầu tiên bán vé cho công chúng với giá 32.500 USD để xem trực tiếp xác tàu Titanic. Vào năm 2012, trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum cho biết công ty đang tổ chức một vòng tham quan cuối cùng sau khi đã tổ chức xuống đáy biển tham quan xác tàu 197 lần. Những chuyến thám hiểm cuối cùng vào năm 2012, mỗi chuyến kéo dài 12 ngày và chở 20 hành khách với giá 59.000 USD mỗi người.

Bắt đầu từ năm 2002, công ty du lịch Bluefish có trụ sở tại Los Angeles cũng điều hành các chuyến lặn tới xác Titanic nhưng chỉ nhận 8 người trong 4 năm tiếp theo. Vào năm 2012, công ty bắt đầu nhận đặt vé trở lại với giá vé là 59.680 USD.

Nhiều công ty du lịch thám hiểm đã tổ chức hành trình đến thăm xác tàu trong suốt hơn một thập kỷ qua. Ảnh: NYTimes

Blue Marble có trụ sở tại London đã bán vé với giá 105.129 USD/người vào năm 2019. Công ty này đã hợp tác với OceanGate Expeditions để tổ chức các chuyến tham quan. 

OceanGate đã tiến hành các chuyến thám hiểm thành công vào năm 2021 và 2022 và có 18 chuyến lặn xuống đáy đại dương được lên kế hoạch cho năm 2023. 

Bảo vệ xác tàu Titanic

Nhưng những chuyến đi này có tác động gì đối với xác của con tàu 111 tuổi?

Tàu Titanic đã bị hư hại đáng kể khi va chạm với đáy biển. Và dần dần, vi khuẩn ăn sắt đang tiêu thụ những gì còn sót lại. Chưa đầy một thập kỷ sau khi xác tàu được tìm thấy, sự xuống cấp nhanh chóng ngày càng đáng quan ngại. Vào năm 2019, một cuộc lặn xác nhận các phần lớn của con tàu đang bị sập.

Xác của con tàu 111 tuổi nổi tiếng đang bị phá hủy từng ngày. Ảnh: National Geographic

Hiện nay, khu vực xung quanh xác tàu ngập rác thải như vỏ bia và chai nước ngọt, tạ, dây xích và lưới chở hàng từ những nỗ lực trục vớt. Du khách cũng đã xả rác trong khu vực bằng các tấm biển và đài tưởng niệm. Năm 2001, một cặp đôi thậm chí đã kết hôn trong một chiếc tàu lặn nằm trên mũi tàu Titanic.

Ngay cả khi những người lặn không cố ý chạm vào xác tàu, họ vẫn có thể làm con tàu bị hư hại thêm. Một đoàn thám hiểm được cho là đã đâm vào xác tàu Titanic nhưng chưa có thông tin về thiệt hại mà nó gây ra.

Một phần của cầu thang lớn của Titanic đã được lấy đem bán đấu giá. Ảnh: CBSNews

Những nỗ lực để bảo vệ xác tàu đang diễn ra. Vì nằm trong vùng biển quốc tế nên nó đủ điều kiện nhận các biện pháp bảo vệ cơ bản theo Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Dưới nước, được cấp vào năm 2012. Vào năm 2020, Vương quốc Anh và Mỹ đã đồng ý hợp tác để cấp hoặc từ chối giấy phép cho những người vào và lấy các hiện vật từ xác tàu này.

Đỗ An

Xem các bài viết của tác giả