Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử… của các dân tộc thiểu số. 

Quá trình đô thị hóa có tác động ngày càng sâu rộng đến các bản, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian để hoàn thành nên giá thành sản phẩm bộ trang phục truyền thống đắt gấp nhiều lần so với trang phục bán trên thị trường.

Một phụ nữ người Dao Tiền ở bản Cỏi đang thực hiện in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Ảnh Phạm Hải

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự du nhập các loại hình văn hóa thông qua Internet, phim, ảnh và các trang mạng xã hội, khách du lịch... đã tác động không nhỏ đến nhận thức và thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân.

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay. Tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, công tác này được địa phương cũng như đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm, chú trọng.

Đây là xã thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh với đa số là hai dân tộc Mường và Dao sinh sống. Bất chấp sự đô thị hóa, hiện đại hóa đã len lỏi ở nhiều địa phương nhưng đồng bào nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sơ.

Riêng bản Cỏi, xã Xuân Sơn hiện có 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao Tiền sinh sống. Họ có nhiều nét văn hóa độc đáo từ tiếng nói, chữ viết, trang phục đến làn điệu Páo dung và đặc biệt là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. 

Phụ nữ dân tộc Dao dùng tre vót mỏng, nhúng vào sáp ong đun chảy rồi họa từng đường nét lên vải. Ảnh: Phạm Hải

Nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong là nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền trên cả nước nói chung. Mặc dù ngày nay, người Dao ít sử dụng các trang phục truyền thống có in sáp ong trong sinh hoạt thường ngày mà chỉ sử dụng vào dịp hội hè hay lễ cấp sắc, tết nhảy… nhưng in sáp ong vẫn được đồng bào Dao Tiền tại bản Cỏi gìn giữ, lưu truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.

Chị Bàn Thị Kim Liên là thế hệ trẻ, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, sách báo, Internet, lối sống hiện đại. Tuy nhiên, không vì thế mà chị quên đi phong tục tập quán của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, chị đã được xem bà và mẹ làm công việc in vải này. Năm 14 tuổi, chị bắt đầu tự nhuộm và in những xấp vải đầu tiên cho mình. Khi lấy chồng, chị mang theo vài bộ váy áo may từ vải in sáp ong. 

“Ngày nay, đời sống đã có nhều thay đổi, nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ, các loại vải công nghiệp được ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi sử dụng. Thế nhưng mẹ tôi vẫn nói, cuộc sống văn minh, hiện đại rồi nhưng không được từ bỏ công việc in vải bằng sáp ong, vì nó chẳng khác nào máu thịt của người Dao Tiền”, chị tâm sự.

Chị Liên cho biết thêm, những hoa văn in trên vải trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, cẩn trọng của mỗi người phụ nữ. Vì thế, khi người con gái Dao Tiền về nhà chồng, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo thu vén gia đình hay không. 

Ngay từ nhỏ, các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con, cháu mình cách dệt vải, in hoa văn trên trang phục truyền thống rất tỉ mỉ. Cứ như vậy, các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong mang đậm nét đặc trưng của người Dao Tiền được lưu truyền qua nhiều đời.

Các họa tiết hoa văn đẹp mắt như họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú... mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng cũng như khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh của dân tộc Dao Tiền.

Theo chân chị, chúng tôi vào ngôi nhà vách đất, lợp nứa, lá theo kiểu truyền thống của người Dao Tiền. Tại đây, chị Liên giới thiệu cho đoàn kỹ thuật in hoa văn lên vải từ sáp ong độc đáo. 

Chị cho biết, để có sáp ong tốt in lên vải phải lấy sáp từ những tổ mật ong rừng quý hiếm. Những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. 

Sau đó tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 – 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt.

Khi có sáp ong tốt, phải chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 – 10 chiếc đủ loại từ 1- 5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. 

Với thao tác chậm rãi, tỉ mẩn, chị chấm bút vào đĩa sáp ong đang nóng, đưa tay họa từng đường nét trên vải. “Khi kẻ, phải giữ cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi”, chị Liên nói. 

Để hoàn thiện một chiếc váy phải mất thời gian gần 2 tháng. Không phải chỉ chấm xong sáp là đã có thể khâu, ghép thành váy. Công đoạn ngâm, luộc vải trong nước nóng và ngâm chàm cũng đòi hỏi sự công phu.

Những miếng vải lần lượt được ngâm vào nước chàm để ngấm đều màu, sau đó phơi ở nơi mát đến khô thì mới đem ra phơi nắng. Công đoạn này lặp đi lặp lại  6 - 7 lần. Đến khi miếng vải co hết cỡ, những hoạ tiết được chấm từ sáp ong nổi đều màu trắng trên bề mặt tấm vải chàm, có màu xanh tím than thì lúc đó mới ghép thành một chiếc váy hoàn chỉnh.

Nhiều công đoạn như vậy nên để làm được một bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền mất nhiều thời gian và giá thành rất cao, dao động từ vài triệu đến 10 hoặc 20 triệu đồng. Mặc dù có cùng một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong nhưng vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng.

Ông Đặng Thế Toàn, người có uy tín của bản Cỏi chia sẻ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Sơn đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

“Để bản sắc văn hóa nói chung và nghệ thuật in vải bằng sáp ong không bị mai một, trong những buổi họp, sinh hoạt thôn, xóm… hay đọc thông tin trên loa đài, tôi thường lồng ghép các nội dung này vào.  Bà con rất thích và vui. Người biết nghề hướng dẫn, chỉ dạy cho người chưa biết. Trong nhà có con em đi học xa, mỗi khi về nhà đều được các bà, các mẹ động viên học in vải, làm sáp ong, nhuộm chàm.

Bản chúng tôi đang phát triển về du lịch cộng đồng, mỗi khi có khách du lịch đến, bà con trong bản sẽ giới thiệu và hướng dẫn họ trải nghiệm kỹ thuật in vải. Thông qua các hoạt động này, cộng đồng người Dao Tiền càng thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình”, ông Toàn nói.