"Lưng người thăm thẳm" là tập truyện ngắn tinh tế và sâu lắng của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang, kể về những phận đời trôi dạt bên rìa xã hội nhưng vẫn cố gắng đối xử với nhau bằng tình thương, đấu tranh để níu giữ những điều tốt đẹp.
Là nhà văn có tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa, trang viết của Vũ Thị Huyền Trang đầy ắp tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản tâm hồn nhiên, thuần hậu. Trong những câu chuyện của chị, nơi gửi gắm, đại diện cho sự trong trẻo của tâm hồn chính là thiên nhiên - thương núi rừng cây cỏ chính là để thương mình, thương người quanh mình.
Lật giở từng trang của cuốn sáchLưng người thăm thẳm (NXB Trẻ phát hành), độc giả sẽ bắt gặp những con người rất đỗi nhỏ bé mà ta từng lướt qua trong đời. Đó là anh tài xế đường dài, người phụ nữ bán rau ở chợ, cô nhân viên tiệm spa hay người đàn ông đi xuất khẩu lao động…
Đó là những con người trôi giạt, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về.
Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân nuôi hai đứa con…
“Thuận thèm cảm giác được ai đó chờ mong nhưng chỉ có căn phòng trọ, bản nhạc buồn và những bữa cơm bụi ven đường”.
“Vạc đã có bao nơi gọi là ‘nhà cũ’? Có bao người đã trở thành cố nhân”.
“Cứ đến bữa cơm là Sa ôm con khóc. Miếng cơm chưa kịp đưa vào mồm thì bà Bảy đã ra rả chửi. Bà chửi từ bàn thờ chửi ra, từ ngã ba ngã bảy chửi vào. Bà chửi cha cái giống đàn bà đã đẻ toàn con gái còn ‘người chẳng ra người’. Thứ đàn bà sống không có đức nên con mới phải gánh tai ương. Rồi bà lôi bố mẹ Sa ra mà chửi, cái thứ người không biết dạy con. Bà chửi cho đến khi cục cơm nghẹn ứ trong cổ họng con dâu thì thong thả ngồi xuống mâm ăn uống một mình”.
Tất cả đều vật lộn với cuộc sống: với đói nghèo, với cảm giác lạc lõng, nỗi ân hận vì tội lỗi... Họ lầm lũi, đau đớn, bị giằng xé và dằn vặt.
Họ muốn thoát ra, vươn tới một nơi tốt hơn, bình yên hơn để sống theo cách khác, sống đúng với chính mình.
“Tụi mình phải sống khác đi. Phải khuấy động cái đời sống lúc nào cũng muốn nhấn chìm mình”.
“Bật dậy khỏi cơn mê, Sa biết mình đã đến lúc phải trở về nhà”.
Những thân phận buồn đau bấu víu vào một điều gì đó, giữ lấy những điều tốt đẹp còn sót lại bên trong mình để bảo vệ nhân phẩm và người thân.
Trong các câu chuyện của Vũ Thị Huyền Trang, những điều con người níu lấy vô cùng giản dị: món canh rau sắn, chút mứt gừng, tiếng càm ràm của người quan tâm đến ta… Mà giữ chặt nhất, chính là giữ lấy nhau.
“… một người mẹ điên không bao giờ rời bỏ con mình. Tất cả sự tỉnh táo nhất Tú cũng đều hướng về con”.
“Lần nào tiễn Thuận bà cụ cũng dặn: ‘Đi rồi về’, hệt như dặn đứa cháu trước khi đi mua chục trứng, mớ rau hay vác rổ ra đồng bắt tép. Gần gũi và thân thuộc khiến Thuận thấy mình được trở về nhà”.
Một chủ đề đặc biệt trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang là thông điệp bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của con người. Thiên nhiên hoang sơ dường như là đại diện cho những điều trong lành, thiện lương nhất.
Tội lỗi lớn nhất là hủy diệt thiên nhiên. Trong nhiều truyện ngắn, những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều gánh hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng.
Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn nhủi, đi đâu cũng gặp “những cánh rừng trọc lốc” “không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn”.
Đó là Nhẫn với vườn rau trước và sau nhà, cái để bán cho người khác, cái cho gia đình ăn.
Đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ.
Vũ Thị Huyền Trang nuôi mơ ước màu xanh, thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì nơi đó là nơi gửi gắm những tình cảm tốt lành, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai.
“Lưng người thăm thẳm là sự gặp gỡ của những thân phận người: cô đơn, nghèo khó, mất mát đau thương… Họ tìm thấy và nương tựa vào nhau. Họ vực nhau dậy, gieo vào lòng thứ ánh sáng hy vọng về ngày mai hạnh phúc.
Trong tập truyện này cũng như hầu hết các tác phẩm khác của mình, tôi ít khi mang đến cho độc giả những niềm vui tưng tửng, sự hào nhoáng, rộn ràng. Nhưng mọi cái kết luôn có hậu theo hướng nhìn tích cực. Trong mất mát có hồi sinh. Trong nghèo khó có nảy chồi hy vọng. Trong nghịch cảnh con người vẫn đối tốt với nhau bằng tất cả tấm lòng.
Để không phải nuối tiếc khi nhìn nhau từ phía sau. Mà thật ra chúng ta còn nhìn thấy tấm lưng thăm thẳm của nhau là bởi vì còn thương mới dõi theo nhau…”, nữ tác giả bày tỏ.
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình Văn học (Đại học Văn hóa Hà Nội), tới nay đã có hàng nghìn trang sách thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, tản văn. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là cây bút quen thuộc với các báo, tạp chí như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ TPHCM, Kinh tế Sài Gòn…
Một số tác phẩm đã xuất bản: Cánh sóng mùa xuân (2021), Bố tôi (2021), Đô thị ảo (2021), Hái trăng trên đỉnh núi (2021), Những đám mây ngoan (2024).