Nữ nhà văn 9x Hiền Trang, người được nhận xét là có sức viết tốt và bền bỉ vừa cho ra mắt cuốn sách Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ, tập hợp những câu chuyện “trên trời dưới bể” về nghề viết văn.
Thời gian để yêu
Năm 2022, Hiền Trang tham gia chương trình lưu trú dành cho các nhà văn quốc tế, International Writing Program (IWP) của trường ĐH University of Iowa. Ra đời năm 1967, cho đến nay, IWP đã đón hơn 1.600 cây bút đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ là kết quả của chuyến đi này, quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời Hiền Trang, nói như lời cô là “thời gian để yêu”. Đó là những ngày tháng không có việc gì khác ngoài dậy sớm viết tiểu thuyết, xem phim, đọc sách, nghe nhạc, chuyện trò cùng bạn bè yêu văn chương, tận hưởng mùa thu, mải mê yêu đương và không một chút mảy may lo lắng...
Ngoài việc lưu giữ những ký ức đẹp ở Iowa, Hiền Trang viết tác phẩm này như một cách để chiêm nghiệm lại quãng đường 10 năm đi cùng với văn chương của cô. Dù sau 10 năm, nữ tác giả vẫn tự coi mình như người học việc, đi được tới đây đối với một kẻ “ngoại đạo” gần như là một điều không tưởng.
“Vì thế, cuốn sách cũng là dịp tôi muốn chia sẻ với những bạn đọc trẻ tuổi ham viết văn về con đường mình đã đi, biết đâu có thể mang đến một niềm hứng khởi nào đó để bạn tiếp tục tin vào ngôn từ. Hình dung của tôi về người độc giả đọc sách của mình nghiêng về dáng vẻ tâm trí nhiều hơn là dáng vẻ hình thức. Tôi mong đó là một con người tin yêu vào ngôn từ, sẵn sàng giao phó đời mình cho ngôn từ định đoạt. Nếu có thể là một người mơ được sống một cuộc sống để tận hưởng những niềm vui và nỗi buồn thuần khiết thì không còn gì bằng”, Hiền Trang chia sẻ.
Tình yêu bền bỉ với văn chương
Xuyên suốt tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Hiền Trang dành cho văn học, nghệ thuật. Đó là tình yêu thuần khiết của cô bé học cấp hai ngấu nghiến đọc sách trên đường đến trường nuôi mơ ước làm nhà văn; tình yêu vô cầu của một nữ blogger không cần văn chương đền đáp tiền tài, danh vọng cho đến tình yêu của một nhà văn với niềm biết ơn vô hạn khi có ngôn từ. Lớn hơn, đó còn là tình yêu đối với phim ảnh, âm nhạc, hội họa.
Vì yêu nên mới trăn trở, suy tư. Cuốn sách dày 183 trang chia làm 19 bài tùy bút nhỏ, mỗi bài lại kể một câu chuyện xoay quanh những câu hỏi từ vi mô đến vĩ mô trong hành trình sáng tác như: Tại sao bạn lại viết? Những áng văn hay đến từ một phút thăng hoa xuất thần hay sự nghiêm túc, kỷ luật? Liệu tình yêu đã trở nên lỗi thời đến mức không ai muốn viết về nó? Có ai đủ tư cách kể một câu chuyện không phải của mình? Thơ ca thì có giá trị gì trong xã hội ngày nay?...
Trong Tôi viết bằng tiếng tôi mơ, tác giả bàn về sự phân chia cấp bậc trong ngôn ngữ. Tiếng Anh được coi là “ngôn ngữ bá quyền”, mang lại cho người viết nhiều cơ hội. Mặc dù hiểu rõ điều đó, dù tiếng Việt chỉ là thứ tiếng “thiểu số”, “bên lề”, dù văn của cô được nhận xét là “viết như văn dịch” nhưng Hiền Trang vẫn lựa chọn viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
“Tôi không viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng Việt, mặc dù đúng là tôi yêu tiếng Việt. Tôi viết tiếng nước tôi, bởi tôi mơ bằng tiếng nước tôi”.
Có lẽ tình yêu bền bỉ, sâu sắc ấy đã thôi thúc nữ nhà văn bắt tay vào một dự án mà cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm hay có khả năng làm được. “Chắc đã đến lúc tôi thấy có nhu cầu kể một câu chuyện thuần túy của nền văn hoá đã nuôi dưỡng mình, cụ thể là một tiểu thuyết lịch sử Việt Nam”, Hiền Trang tiết lộ với VietNamNet.
Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ
Tình yêu sách vở, văn chương đã đưa Hiền Trang đi xa nửa vòng trái đất để dấn thân vào cuộc phiêu lưu mà cô ví mình như nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang của Haruki Murakami. “Tôi đến đây để tìm con cừu hoang của mình - con cừu mang tên Văn chương”, Trang viết ở chương đầu tiên.
Khi được hỏi sau tất cả, liệu cô đã tìm được con cừu ấy chưa, Hiền Trang bộc bạch: “Nhân vật trong Cuộc săn cừu hoang đi tìm con cừu lạ, cuối cùng có gặp con cừu nào đâu. Anh gặp bóng ma người bạn đã mất, gặp 'người cừu' nói cho anh những bí mật, gặp sự trống vắng của chính mình. Cũng giống như nhân vật ấy, bây giờ tôi sở hữu rất nhiều ký ức, rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều sự kiện quái đản, rất nhiều sự trống vắng và niềm vui của sự cô độc. Đó chính là 'con cừu văn chương' của tôi”.
Và ở chương cuối cùng, cô viết: “Văn chương có khi cũng là khoảnh khắc mà thôi”.
Trên chuyến hành trình ấy đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp đến với Hiền Trang. Nhưng khoảnh khắc cho cô phút đốn ngộ về văn chương khiến Trang nhớ mãi là khi gặp một người giao hàng già cả đi chiếc xe đạp cũ, đọc cho cô bài thơ cuối của Federico Garciá Lorca, dưới một đêm không trăng.
“Nó khiến tôi nhận ra ao ước của mình: có thể viết ra một điều gì đó, để một con người bình phàm đọc cho một người bình phàm khác nghe trong một ngày bình phàm nhất trên đời, thì một đời mình đã sống không uổng”, Hiền Trang bộc bạch.
Có lẽ sự nghiệp của một nhà văn cũng như vậy, là tập hợp của vô số khoảnh khắc lớn nhỏ khác nhau trong đời. Và với tất cả những gì họ có là ngôn từ - sẽ tạo nên “con cừu văn chương” của riêng mình.
(Ảnh: FBNV)