Tại workshop “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả 2023” diễn ra mới đây ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), nhắc tới câu chuyện nhiều học sinh lớp 12 sắp tốt nghiệp nhưng vẫn chưa biết bản thân mong muốn theo đuổi ngành nghề gì.

Thậm chí, có những người đến 30 – 40 tuổi vẫn không biết mình thích gì và liên tục phải chọn lại ngành nghề.

Từng có nhiều năm đồng hành cùng học trò bậc THPT trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, bà Thu cho rằng để đến cấp 3 mới hướng nghiệp cho học sinh là quá muộn.

“Việc hướng nghiệp cho học sinh cần thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí nên bắt đầu từ bậc mầm non, thông qua việc giới thiệu các ngành nghề cơ bản của cha mẹ hay những người xung quanh”.

Sau đó, lên cấp 2, học sinh cần có những trải nghiệm nghề nghiệp để bắt đầu quá trình khám phá bản thân. Điều này có thể thông qua các hoạt động trao đổi cùng chuyên gia, đi đến các trường đại học, doanh nghiệp để trải nghiệm ngành nghề…

Khi biết được năng lực, sở thích cùng với sự định hướng từ cha mẹ, thầy cô, học sinh sẽ đưa ra được sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân. Sự lựa chọn này cần đáp ứng 3 yếu tố gồm: ngành nghề đam mê; ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và là ngành nghề đang phát triển theo xu thế xã hội.

Theo bà Thu, việc chọn sai ngành có thể chọn lại. Nhưng với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình hiện nay, việc chọn lại có thể sẽ rất đắt đỏ, gây lãng phí thời gian và tuổi trẻ không cần thiết.

Học sinh tham gia hội thảo hướng nghiệp

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, cho rằng ngay từ bậc mầm non, trẻ đã bắt đầu có những sở thích về nghề nghiệp. Đến tiểu học, trẻ bắt đầu tìm hiểu về nghề nghiệp của những người xung quanh.

Lên cấp 2, học sinh đã tìm ra những ngành nghề mình thích, dù chưa chắc đã phù hợp. Ví dụ, có những em thích làm phi công nhưng lại hay chóng mặt, hay có em thích ngành y nhưng lại sợ máu…

“Cho nên, việc hướng nghiệp cần phải thực hiện từ sớm, để học sinh có thời gian tìm hiểu ngành nghề nào phù hợp nhất với sở thích, năng lực của mình”, PGS.TS Khánh nói.

Theo ông Khánh, không phải bậc THPT, đến lớp 9 mới hướng nghiệp cũng đã là rất muộn.

“Khi vào lớp 10, các em phải đưa ra lựa chọn phân ban. Vì thế, việc hướng nghiệp cần phải làm sớm và hiệu quả để đến lớp 9, sau một khoảng thời gian tìm hiểu, các em đã biết mình muốn gì và chọn được phân ban phù hợp”, ông Khánh nói.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Đồng sáng lập Mạng lưới Quản lý Giáo dục không biên giới, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cũng chia sẻ về những khó khăn trong công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Theo bà Thơ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình giáo dục phổ thông là định hướng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực tương lai. Ở những cấp học nhỏ, cần tích hợp hướng nghiệp vào các nội dung giáo dục khác, trong đó tập trung vào sự trải nghiệm.

Đến cuối cấp THCS, các hoạt động hướng nghiệp cần thực hiện chuyên sâu hơn và phải thực hành ở một số mô hình doanh nghiệp, trường nghề để học sinh định hình rõ nét về giá trị của nghề và sự phù hợp của bản thân.

Theo bà Thơ, sứ mệnh của trường nghề, cao đẳng, đại học lúc này, bên cạnh chương trình đào tạo phải hình thành chương trình trải nghiệm cho những học sinh chuẩn bị vào trường.

Tuy nhiên, bà Thơ nhìn nhận, thực tế môi trường để học sinh trải nghiệm về nghề nghiệp hiện nay còn rất thiếu; thậm chí các trường còn lúng túng và chưa sẵn sàng đón học sinh phổ thông đến trải nghiệm. Ngoài ra, trong hầu hết các trường phổ thông hiện nay cũng chưa có trường nào bồi dưỡng cho giáo viên về trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

“Chúng ta chỉ mải tập trung vào nguyện vọng nghề nghiệp mà quên mất thái độ, kỹ năng, kiến thức và sự am hiểu mới tạo nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Vì thế mới xảy ra tình trạng, khi được hỏi về nguyện vọng của học sinh, sự lựa chọn của nhiều em khi ấy lại phụ thuộc vào bố mẹ chọn ngành gì, thậm chí là… xem bói để biết mình hợp ngành gì chứ không có bất cứ trải nghiệm, hình dung nào về nghề nghiệp ấy”, bà Thơ nói.