Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh mới diễn ra ở Hà Nội, một phụ huynh đặt câu hỏi tới các chuyên gia của ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp: “Không biết có ai trong các vị ở đây sử dụng những kiến thức về tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác, logarit... vào công việc?”.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, nhà trường đang duy trì việc học toán giải tích đại số và vật lý đại cương vào diện “nặng” nhất ở Việt Nam. Song, nếu xét về bình diện quốc tế, độ khó của chương trình còn “thua xa” các trường đại học kỹ thuật của Đức và Pháp.
“Tôi làm việc trong lĩnh vực cơ điện tử về điều khiển robot và các hệ thống cơ học, kiến thức môn Toán được dùng hàng ngày. Tất nhiên, đối với chúng tôi, không phải toán giải phương trình trên giấy mà là lập trình...
Song, nếu không trải qua những phần giải các bài toán liên quan tích phân, vi phân và phương trình vi phân sẽ rất khó để đạt được cấp độ cao về mặt tư duy nói chung, đặc biệt lĩnh vực nghiên cứu phát triển.
Các hệ thống kỹ thuật bây giờ đều mô tả dưới dạng các phương trình vi phân. Như vậy, với giới nghiên cứu chuyên sâu, có những công bố quốc tế hoặc những giải pháp mang tính phát minh chắc chắn toán học là nền tảng”, ông Điền nói.
Theo ông Điền, hiện nay, các trường vẫn dựa trên nền tảng đánh giá tư duy mà toán học là một phần.
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho hay, trường có nguồn gốc là một trường đại học ngoại ngữ, tuyển sinh 10 ngành ngôn ngữ khác nhau cùng các chuyên ngành khác được dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh gồm kinh tế, công nghệ thông tin... là những khối ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ thông tin.
Tuy nhiên các sinh viên vẫn phải học toán bởi đây là nền tảng đánh giá các thí sinh có năng lực tư duy tốt hay không.
TS Nguyễn Đào Tùng- Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính, cho hay, với các trường khối kinh tế, toán là nền tảng và toán kinh tế vận dụng rất nhiều.
Ông Nguyễn Phú Khánh- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, cho rằng, toán là môn học cơ bản, quan trọng. “Chúng ta nói ở Việt Nam học toán rất nặng, nhưng thực ra, "dân" kỹ thuật sang Đức hay Pháp học, toán của chúng ta còn cách quá xa so với họ.
"Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với phụ huynh rằng, không phải ai cũng cần học toán quá nặng. Các trường đại học giờ đây chia môn Toán cao cấp cho các khối ngành khác nhau, phù hợp hơn với nhu cầu của từng ngành”, ông Khánh nói.
Một phụ huynh ở Hà Nội có con gái thiên hướng học ngoại ngữ băn khoăn: “Con và gia đình chỉ biết thế mạnh học tốt ngoại ngữ, không biết nên chọn ngành gì liên quan đến ngoại ngữ phù hợp sau này?”.
PGS.TS Vũ Thị Hiền- Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho hay, nếu thí sinh giỏi ngoại ngữ, có 2 cách tiếp cận.
Thứ nhất, dùng ngoại ngữ như một công cụ học các ngành khác. “Hiện nay, rất nhiều trường đại học có những chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ hoặc tỷ lệ các môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ cao. Sau này, năng lực của sinh viên sẽ tốt và có những lợi thế vượt trội so với những người khác”.
Thứ hai, đi thẳng vào ngành ngoại ngữ và chọn ngôn ngữ đó làm ngành học như Ngôn ngữ Anh... Không chỉ Trường ĐH Ngoại thương, nhiều đại học khác có những ngành học này.
Theo bà Hiền, để chọn ngành phù hợp, cần dựa vào sở thích, đam mê; năng lực của bản thân; nhu cầu nhân lực; năng lực tài chính của gia đình.
Một phụ huynh có con dự thi tốt nghiệp THPT năm nay thắc mắc: "Con muốn học ngành Thiết kế đồ họa nhưng tìm hiểu tất cả các trường, thấy rằng, những trường đại học công lập để học ngành này, trong tổ hợp xét tuyển đều phải có môn Vẽ hoặc Hình họa hoặc Bố cục trang trí màu.
Song, những môn này, trong các môn học phổ thông không có, con tôi không dám đăng ký thi vào các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật công nghiệp... Có lẽ tôi phải đăng ký cho con vào các trường ngoài công lập?”. Vị phụ huynh cho rằng, đây là điều bất hợp lý đối với những học sinh không phải ở vùng đô thị có điều kiện học thêm, học ngoài môn Vẽ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay, dưới góc độ quản lý nhìn toàn hệ thống, với những ngành đào tạo đặc thù, tỷ lệ các em trúng tuyển vào đại học mỗi năm tính trên toàn hệ thống rất nhỏ, thậm chí chưa đến 1%.
Vì vậy, việc đưa những môn học đó vào bậc phổ thông áp dụng cho toàn hệ thống là chưa phù hợp, nhất là chương trình phổ thông dạy trên toàn quốc ở tất cả các vùng miền từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngay cả đội ngũ giáo viên dạy cũng là vấn đề, phổ cập những môn đó trên toàn quốc phải tốn rất nhiều nguồn lực.
Trong khi rõ ràng những ngành đặc thù này cần năng khiếu chứ không phải một kỹ năng đại trà chúng ta dạy ở bậc phổ thông. Bậc phổ thông là những kiến thức phổ quát nhất, nền tảng cho học sinh. Đi vào những ngành đặc thù, chúng ta cần có những sự đầu tư và định hướng ban đầu.
"Tất nhiên, chúng tôi rất chia sẻ với những thí sinh ở những địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, các em có nhiều con đường khác. Ngành Thiết kế đồ họa, với những kiến thức công nghệ thông tin và những kỹ năng khác, các em hoàn toàn có thể theo đuổi ngành này, không nhất thiết phải có môn vẽ”, bà Thủy nói.