Tuyến bài Sự hồi sinh kỳ diệu là câu chuyện do chính những người trong cuộc, những người đã từng trải qua những năm tháng "thập tử nhất sinh" kể lại. Bằng nghị lực phi thường và sự quyết tâm của bác sĩ, những bệnh nhân đã hồi sinh và viết tiếp câu chuyện cuộc đời. Hy vọng những câu chuyện của họ sẽ góp phần lan toả năng lượng tích cực đến độc giả.
3 năm phát hiện 3 bệnh ung thư
Bà Phan Thanh Thuận (68 tuổi, trú tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) mắc 3 bệnh ung thư, di căn phổi, tiên lượng sự sống không kéo dài. Nhưng đến nay, sau 8 năm, bà Thuận vẫn mạnh khỏe, thường xuyên đi làm từ thiện và du lịch.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Thuận cho biết năm 2016, một lần đưa bạn vào bệnh viện, bà cũng tranh thủ khám sức khỏe. Bác sĩ phát hiện bà mắc ung thư đại tràng, khối u đã to, cần mổ gấp. “Ngày hôm đó, bác sĩ nội soi cho tôi rồi nhắn người nhà vào gặp. Nhìn sắc mặt của chồng và con dâu lúc đi ra, tôi biết mình mắc bệnh nặng”, bà Thuận nhớ.
Gia đình dự định giấu bệnh, chỉ nói là u lành nhưng người chồng biết vợ có tính cách mạnh mẽ nên đã nói thật tình trạng của bà.
Nghe tới ung thư, người phụ nữ 60 tuổi rất sốc, trách số phận không công bằng với mình. Cả đời bà làm việc, quán xuyến gia đình, hết lòng với mọi người, vừa về hưu, chưa kịp nghỉ ngơi lại mắc bệnh nghiêm trọng. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, bà dần chấp nhận và bước vào ca mổ đầu tiên tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội).
Hậu phẫu, bà được điều trị hóa chất. Do tác dụng phụ, bà Thuận suy kiệt, yếu đi nhanh chóng. Mỗi lần vào hóa trị, bà Thuận trải qua cảm giác như "chết đi sống lại", phải ngồi xe lăn để về nhà. Sau gần 2 năm, bà ra viện với kết quả ổn định. Hai tháng sau, bà đi tái khám tại Bệnh viện K (Hà Nội), phát hiện u vú và nghi ngờ ung thư.
“Nhìn kết quả, tôi gọi điện cho chồng và con gái báo rằng mình có thêm u ở ngực, chồng con đều đồng nhất có u ở đâu điều trị ở đó, không cần lo. Thậm chí, gia đình chấp nhận cắt bớt đất ra bán lấy tiền cho tôi chữa bệnh", bà Thuận kể.
Ngày nhập viện, sức khỏe bà quá yếu, bác sĩ đắn đo việc phẫu thuật nhưng với quyết tâm của bệnh nhân, gia đình, sự hỗ trợ của ê-kíp gây mê, ca mổ đã thành công. Bác sĩ tư vấn thể bệnh ung thư vú của bà Thuận phù hợp điều trị đích 18 liệu trình, chi phí khoảng 800 triệu đồng tới 1 tỷ đồng.
Giữa năm 2019, bà Thuận đang điều trị liệu trình đích thứ 15, bác sĩ lại phát hiện nữ bệnh nhân có thêm u phổi. Bác sĩ Bệnh viện K tư vấn bà không thể mổ vì vị trí u nguy hiểm nên giới thiệu chuyên gia phẫu thuật lồng ngực.
Tháng 1/2020, bà Thuận được chuyển sang phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). U phổi được xác định di căn từ đại tràng. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục cho điều trị theo phác đồ ung thư di căn, hóa xạ trị, thuốc chống tiêu hủy xương.
“Một người bình thường điều trị ung thư 1-2 năm còn tôi mất gần 5 năm ra vào bệnh viện liên tục và trải qua nhiều cuộc đại phẫu”, bà Thuận bộc bạch.
Lạc quan là liều thuốc vô giá
Lần thứ 3 nhận bản án ung thư, người phụ nữ này từng nghĩ tới chuyện “buông”. Tuy nhiên, chồng con đều động viên bà phải cố gắng.
Tâm lý khi bị ung thư của người giáo viên này từ sốc, bàng hoàng, oán trách tới chấp nhận và lạc quan, tin tưởng. Trải qua đủ cung bậc cảm xúc, đón nhận những tin xấu nhất về bệnh tật đã xây dựng cho bà Thuận bản lĩnh vững vàng.
Sau 3 năm bệnh ổn định, bà Thuận tích cực tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân ung thư, làm thiện nguyện, đi du lịch và gặp gỡ bạn bè. Với người bệnh ung thư, tinh thần là liều thuốc vô giá giúp họ vượt qua bệnh tật.
“Có trường hợp ung thư mới 50 tuổi nhưng muốn về nhà chờ chết. Con họ gọi điện nhờ tôi động viên cô ấy. Sau cuộc nói chuyện với tôi, bệnh nhân quay về viện điều trị. Hai năm nay, bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt lên. Chúng tôi vẫn chia sẻ những điều tích cực để thấy cuộc đời rất tươi đẹp, được sống là hạnh phúc. Dù gần 70 tuổi, tôi vẫn yêu đời, muốn sống bên con cháu lâu nữa và còn nhiều dự định phải làm”, bà Thuận trải lòng.
Tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân ung thư đại tràng tại Bệnh viện K, Phó giáo sư Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết ung thư đại tràng chưa rõ nguyên nhân gây ra. Các chuyên gia về ung thư cho rằng những yếu tố liên quan như chế độ ăn thiếu khoa học, một số bệnh đại tràng sẵn như polyp tuyến, hội chứng lynch... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trong quá trình điều trị, ngoài thuốc theo phác đồ của bác sĩ, việc chăm sóc tinh thần, tâm lý cho bệnh nhân cũng rất quan trọng. Hỗ trợ về tinh thần là "liều thuốc" hữu hiệu cho cả người bệnh sau thời gian điều trị ung thư và gia đình của họ.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra những người tham gia vào các nhóm hỗ trợ có chất lượng cuộc sống được cải thiện, bao gồm ăn ngon, ngủ ngon hơn.