Cụ bà (81 tuổi) ở bang Pennsylvania của Mỹ bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cô gái trẻ tự xưng là “cháu gái”. Trong cuộc gọi, “người cháu” nói rằng bản thân đang vướng vào rắc rối pháp lý, và cần rất nhiều tiền để giải quyết vấn đề. 

Trong vòng 30 ngày sau đó, cụ bà đã liên tục trao đổi thư điện tử và chuyển khoản tổng số tiền là 96.000 USD để cố gắng giúp “cháu gái” thoát án. Nhưng trên thực tế, số tiền này lại rơi vào tay những kẻ lừa đảo. 

Cụ bà ở Mỹ mất 96.000 USD vì tin lời kẻ lừa đảo. Ảnh minh họa

Theo tờ The Star, ông Anthony Matulewicz, luật sư tại quận Northumberland của bang Pennsylvania, mới cho công bố thông tin về vụ án hồi đầu tháng này. Luật sư cho biết những vụ lừa đảo tương tự đang được các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên khắp nước Mỹ thực hiện. Chúng tạo ra tình huống cấp bách khiến nạn nhân không kịp suy xét mà phải hành động ngay lập tức và chuyển tiền. Thậm chí, những kẻ lừa đảo còn mạo danh là “luật sư, cảnh sát, hoặc thẩm phán” để gọi điện với mục đích tạo uy tín, từ đó khiến nạn nhân làm theo hướng dẫn mà không chút nghi ngờ. 

Luật sư Matulewicz cho hay, cụ bà đã nhận được cuộc gọi đầu tiên từ “cháu gái” hồi cuối tháng Hai với lời cầu xin hỗ trợ để được ra tù. Trong điện thoại, đối tượng nói đã gây ra một vụ tai nạn, và cảnh sát còn tìm thấy ma túy trong xe. Do đó, cô ta cần người bà giúp đỡ để chi trả các khoản phí pháp lý, cũng như được xóa hồ sơ phạm tội. Chưa hết, cô gái còn nói với cụ bà rằng sẽ gửi trả lại toàn bộ số tiền sau khi sự việc được giải quyết.

Không chút nghi ngờ, cụ bà đã gửi các khoản thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản đến nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ. Một số giao dịch đáng ngờ đã bị cơ quan chức năng phát hiện và báo cảnh sát.

Tuy nhiên, việc nhận được một loạt cuộc điện thoại từ “cháu gái” trong hơn 30 ngày đã thao túng tâm lý khiến cụ bà (81 tuổi) vẫn tin rằng người cháu đang thực sự gặp rắc rối. Do đó, ngay cả khi nhận được cảnh báo từ phía cảnh sát về khả năng bị lừa đảo, cụ bà vẫn không tin. 

“Bà ấy vẫn tiếp tục tìm mọi cách để gửi tiền cho những kẻ lừa đảo dù đã được cảnh báo”, luật sư Matulewicz nhấn mạnh.

Vụ án đặc biệt ở chỗ những kẻ lừa đảo thậm chí còn cho một tài xế Uber đón nạn nhân một lần từ nhà riêng đến ngân hàng để rút số lượng lớn tiền mặt. Sau đó, số tiền này được đưa cho tài xế.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, và vị luật sư không cung cấp thêm thông tin, cũng như việc những kẻ lừa đảo có phải là người ở địa phương hay không.

Ông Degg Stark, Thám tử quận Northumberland, người đã thẩm vấn hàng trăm nạn nhân bị lừa đảo, cho biết phần lớn thông tin mà các nhóm tội phạm có được là nhờ thu thập trên trang mạng xã hội của nạn nhân. Những kẻ lừa đảo tìm tên người thân, ngày sinh, tên thú cưng, nơi làm việc, kế hoạch đi du lịch, biệt hiệu, và các thông tin khác cho phép chúng đưa ra những lời cầu xin “giúp đỡ” nghe có vẻ rất thật.

Theo luật sư Matulewicz, cách tốt nhất là người dùng mạng xã hội nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, và đặt chế độ riêng tư để giới hạn đối tượng có thể xem được những thông tin quan trọng này.