Lễ hội Điện Huệ Nam là nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. 

Cần đánh giá đúng và công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu, còn được biết dưới cái tên Đạo Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo đơn thuần. Thông qua các truyền thuyết, câu truyện lịch sử cùng những nghi lễ và lễ hội, đặc biệt trong hình thức diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, cần thiết được lưu truyền.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Nói về nguồn gốc hình thành, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ-Mẫu-Mế). Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Tinh thần yêu nước, thương dân ấy được sử sách ghi lại bởi những thần tích, để rồi nhân dân dựa vào đó mà sáng tạo nên các lễ hội, và hình thức diễn xướng “hầu đồng” (hay còn gọi là “hầu bóng”). Niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, niềm tôn kính vô bờ với các vị anh hùng dân tộc (khi sinh là tướng, khi khác hiển thần) đã khiến tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Thông qua hình thức “hầu đồng” tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến với những ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn đồng thời mang lại cho họ sức mạnh niềm tin với cái thiện.

Tuy vậy trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu mà tiêu biểu cho nó là nghi lễ hầu đồng dần bị thay đổi, thậm chí đến biến dạng cả về bản chất, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu, một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã cố tình hoặc vô ý khoác lên nó một lớp áo huyền bí, đầy nghi hoặc cùng với những định kiến mang tính thiếu khách quan để từ đó một tín ngưỡng dân gian bản địa có lịch sử tồn tại hàng trăm năm trở thành “một đứa trẻ bị bỏ rơi lấm lem bùn đất” như đánh giá của GS. Ngô Đức Thịnh – một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam về đạo Mẫu.

GS Ngô Đức Thịnh cũng đồng thời khẳng định “Đã đến lúc cần đánh giá đúng và công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu, cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó để Di sản được bảo tồn và phát huy hết giá trị vốn có ”.

Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu

Mới đây, Lễ hội Điện Huệ Nam do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, nhân dân tổ chức dự kiến thu hút khoảng 5.000 - 7.000 người tham dự. Đây là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, được cử hành vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch. 

Lễ hội có các hoạt động cung nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường thủy với khoảng 70 chiếc thuyền từ 352 Chi Lăng đi ngược dòng sông Hương lên Điện Huệ Nam; Lễ Chánh tế, cầu nguyện quốc thái dân an; Lễ Cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ Phủ lên làng Hải Cát; Lễ Chánh tế tại Đình làng Hải Cát; Lễ Cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ Phủ hồi loan nhập Điện Huệ Nam; Lễ Hoàn tạ và bế mạc lễ hội tại Điện Huệ Nam. 

Lễ hội Điện Huệ Nam (Thừa Thiên-Huế) là nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, Di sản Văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Đây được xem là Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế và nằm trong chuỗi sự kiện lễ hội mùa Thu của Festival Huế 2022.  

Ngoài rước Thánh Mẫu bằng thuyền trên sông Hương vốn là nét đặc sắc nhất của Lễ hội, Trung tâm Festival Huế phối hợp Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam tổ chức thêm lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ. Hoạt động này nhằm tái hiện, xây dựng một carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của Tín ngưỡng thờ Mẫu.  

Quang Ninh, Nguyễn Bắc, Quốc Huy