Thổ là 1 trong 5 dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, cư trú tập trung tại thị xã Thái Hòa và các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tân Kỳ. 

Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Với 12% dân số là người dân tộc Thổ, định cư chủ yếu ở các xã: Hạ Sơn, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Văn Lợi, Tam Hợp… Bà Trương Thị Kim Chi, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: “So với dân tộc Thổ ở các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ thì đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp có nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng và phát huy rất tốt. Trong những nét đặc trưng đó có trang phục truyền thống theo phong cách đơn giản, tinh tế với những nét nổi bật không pha lẫn các dân tộc khác”.

Vào các ngày lễ hay những sự kiện quan trọng của địa phương, bà con dân tộc Thổ mặc trang phục truyền thống. Áo của phụ nữ Thổ là chất vải thô, màu trắng, loại áo ngắn, ống tay dài, cổ tròn, khuy áo bấm. Khi mặc, áo thả lỏng ra bên ngoài. Còn chiếc váy sẽ giống như váy của người Thái, chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy.

Tại Hội thảo khoa học Quốc tế 'Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền Tây Nghệ An' do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Friedrich Naumann (FNF) của Đức tại Việt Nam tổ chức vừa diễn ra hồi đầu tháng 8.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An; Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF cùng các nhà nghiên cứu. 

Dân tộc Thổ được tập hợp từ nhiều nhóm khác nhau, có chung một số nét đặc trưng, đồng thời có những nét riêng về dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, nghi thức, nghi lễ. Để gìn giữ và tạo nên sức sống mạnh mẽ của dân ca Thổ như hôm nay là nhờ công lao rất lớn của các nghệ nhân - những người đã tích cực truyền trao và bảo tồn văn hóa dân gian.Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, dân tộc Thổ có sự giao thoa văn hoá với dân tộc Thái, dân tộc Kinh, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Thổ đã bị mai một, nhất là các thành tố văn hoá trong đời sống vật chất và tinh thần. 

Hội thảo 'Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền Tây Nghệ An' quy tụ 16 tham luận xoay quanh vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tri thức bản địa của dân tộc Thổ phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Một số tham luận đáng chú ý như: 'Những việc làm của VTIK trong bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ tại miền Tây Nghệ An' của nghệ nhân Sầm Văn Bình;  'Phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch bền vững hiện nay' của PGS. TS. Lê Thị Bích Thủy; 'Khai thác tri thức bản địa và tập quán ăn uống của người Đan Lai vào hoạt động du lịch trải nghiệm' của TS Võ Thị Hoài Thương... Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến về việc cần phải liên kết với các nhà thiết kế để các sản phẩm của đồng bào Thổ làm ra, vừa bảo tồn và phát triển để thích ứng với thời đại mới. 

Màn diễn xướng múa hát cồng chiêng của câu lạc bộ xã Nghĩa Lợi.   


Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ lưu ý các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tập trung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tri thức bản địa, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình phát triển, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, vừa phát huy nội lực của nhân dân. Cùng với đó, các địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch, đề án phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Thổ để phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các điểm đến và tour phù hợp để thu hút du khách, giúp bà con nâng cao đời sống, có thêm nguồn thu nhập.  

 Quang Ninh, Nguyễn Bắc, Văn Công