Bởi thông qua văn hóa này, thể hiện tính cách cần cù, sáng tạo và khí chất dũng mãnh của của cư dân sống trên những ngọn núi cao ở miền Tây xứ Nghệ.

Bởi vậy, mỗi khi làng bản có ngày vui, đồng bào Mông ở miền Tây Nghệ An thường mở hội chọi bò.

Với người Mông ở Mường Lống, gia đình nào kinh tế khá giả mới dám đầu tư nuôi bò chọi. Để mua con bò chọi phải bỏ ra từ 30-50 triệu đồng, thậm chí có những con lên đến cả trăm triệu. Chăm sóc bò chọi đòi hỏi sự tỉ mỉ, dày công và tốn kém.

Theo những người chơi, bò chọi được nuôi nhốt trong chuồng, không được thả rông. Ngoài việc cắt cỏ về cho ăn, chủ nuôi còn cho bò ăn thêm ngô hạt, khoai, cám trộn mật mía...Việc nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp là để bò có bốn bắp chân to, khỏe mạnh. 

Bò chận là vật nuôi thân thiết của mỗi gia đình người Mông. Người dân chăm nuôi bò hàng ngày, luyện sức dẻo dai cho bò bằng cách cho leo dốc, leo đèo cao và đặt tên cho bò, gọi tên hằng ngày như Bò Lia, Bò Phạ, Bò Cài, đặc biệt là “gà” chiến thuật thi đấu cho bò như một huấn luyện viên ở ngoài sân đấu. Một con bò chận, bò chiến thực sự là con bò thân hình béo tốt, đậm chắc như tảng đá lèn trên Phu Xai Lai Leng, cặp sừng nhọn hoắt, cong vút được mài dũa tỉ mỉ, bụng thon, ức nở, u cuộn như đỉnh núi Cổng Trời - Mường Lống…

Lễ hội chọi bò của đồng bào Mông ở xã Mường Lống không chỉ trở thành ngày hội của dân làng mà còn thu hút đông đảo bà con các bản làng ở huyện Kỳ Sơn đến xem.

Để xem màn chọi trâu sôi động, người dân đều phải đứng ngoài hàng rào và chọn một vị trí dễ xem để thưởng thức cuộc đấu võ của những chú trâu "lực điền". Bãi chọi thường là khoảng cỏ rộng hoặc là những thửa ruộng bằng phẳng liền nhau vừa thu hoạch lúa.

Hàng chục con bò to khỏe đã được chủ chăn dắt đến đợi sẵn. Những người chủ hãnh diện đi bên những con bò chọi to cao lực lưỡng nghênh ngang khu vực diễn ra trận đấu. Tiếng trống, tiếng khèn của bà con vang lên cả một góc rừng cổ vũ trận đấu giữa những con bò trên đấu trường.

Ở Kỳ Sơn, người dân lập ra các “hội bò chận” để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò và các nghề nuôi trồng khác, đảm bảo nghiêm túc cho mỗi cuộc thi cũng như hoạt động hàng này. Bà con vào hội tự nguyện đóng quỹ, chủ động tham gia và hoàn thành mọi việc được hội phân công.

Điều đặc biệt là những lần tổ chức hội bò chận của bà con bên cạnh gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, còn gắn với những dịp vui của các gia đình, chẳng hạn khi gia đình có việc trọng như lễ cưới, làm vía…

Từ một ngày lễ truyền thống, hội bò chận đã được chính quyền cũng như đồng bào gìn giữ, phát huy, đưa nét sinh hoạt văn hoá này trở thành hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của bà con người Mông, góp phần chung vào đời sống sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc miền núi, từng bước tiến tới việc tổ chức thường niên với sân đấu “chuẩn”, điều luật chuẩn.

Mơ ước của nhiều người dân Kỳ Sơn là hội chọi bò Kỳ Sơn được biết đến nhiều hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại vùng quê nghèo Kỳ Sơn miền tây Nghệ An.

Lan Anh, Vũ Lụa, Thanh Sơn, Bình Minh, Kim Chi