Theo kết quả rà soát, đến nay, toàn huyện Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc còn 365 hộ nghèo, chiếm 0,86%; hộ cận nghèo là 607 hộ, chiếm 1,43%. Các chỉ số này đều vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024. Cụ thể, mục tiêu đề ra giảm từ 0,16% trở lên với hộ nghèo so với năm trước (thực đạt 0,55%) và giảm từ 0,4% trở lên với hộ cận nghèo (thực đạt 0,48%). Huyện phấn đấu năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5%, hộ cận nghèo giảm dưới 1%.
Tăng trách nhiệm, không tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài cuộc
Để có được kết quả trên, huyện Lập Thạch luôn xác định công tác giảm nghèo đa chiều là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, nhân rộng mô hình hay, cách làm thiết thực bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên tinh thần tự vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân.
Hằng năm, UBND các cấp trên địa bàn huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương...
Các cấp ủy, chính quyền coi trọng công tác xã hội hóa, phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo, vận động các hội viên, đoàn viên trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất…
Quan tâm, giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo
Nhằm tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm giới thiệu việc làm mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sau khi học nghề, hỗ trợ kinh phí và thủ tục pháp lý cho người nghèo khi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có 150 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 13 tỷ đồng; 214 hộ cận nghèo được vay 19,8 tỷ đồng; 73 hộ mới thoát nghèo được vay 6,3 tỷ đồng. Hơn 1.800 hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 95,6 tỷ đồng…
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở thôn Văn Lãm, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch. Nhiều năm liền, ông thuộc diện hộ nghèo. Bốn năm trước, gia đình ông được vay 100 triệu đồng cho con trai đi xuất khẩu lao động. Sau 3 năm, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có thêm điều kiện xây ngôi nhà mới khang trang hơn.
Hay gia đình ông Nguyễn Văn Cửu ở xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, từng là hộ nghèo, đã vươn lên thoát nghèo sau thời gian ngắn. Năm 2021, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, cùng với các con phát triển kinh tế hộ gia đình. Một năm sau, nỗi lo kinh tế không còn trở thành nỗi ám ảnh với ông và gia đình.
Thực hiện chỉ tiêu ký cam kết giảm nghèo hằng năm, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho 130 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.
Để bù đắp chiều thiếu hụt về y tế cho người nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2021-2023, Bảo hiểm xã hội huyện Lập Thạch đã phát gần 2.900 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, 4.200 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng.
Rất quan tâm đến giáo dục, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho gần 2.200 học sinh là con em hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho 75 hộ nghèo trị giá hơn 4,1 tỷ đồng; 1.600 hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền điện hơn 1 tỷ đồng…
Tới đây, Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên của người nghèo; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, huyện huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên…