Nhằm đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn qua cầu phao Phong Châu, Chi cục Đường thủy nội địa 1 đề xuất đóng, mở cầu phao 1 lần/ngày, từ 9h đến 10h hằng ngày và linh hoạt số lần đóng, mở.
Chiều 20/9, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hôm nay lực lượng công binh đang tiến hành làm đường dẫn 2 bên cầu xuống cầu phao Phong Châu.
Trước đó, từ ngày 19/9, lực lượng quân đội đã hạ thủy một số phao. Vị trí lắp đặt cầu phao cách cây cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng (bờ tả thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao; bờ hữu thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông).
Theo lãnh đạo huyện Tam Nông, các lực lượng đang tiến hành gia cố bến phà lên, xuống để khi đảm bảo an toàn sẽ hoàn thiện, thông cầu cho người dân đi lại. Nếu điều kiện thuận lợi, có thể trong 2-3 ngày tới sẽ hoàn thiện lắp đặt.
Với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 đề xuất phương án vận hành cầu phao Phong Châu sau khi hoàn thành lắp đặt, đảm bảo an toàn.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, để nhanh chóng vận hành cầu phao an toàn sau khi lắp đặt xong, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 đã phối hợp với đơn vị vận hành cầu phao thống nhất phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa tại khu vực.
Theo đó, lưu lượng phương tiện thủy lưu thông trên khu vực luồng qua cầu phao không lớn. Thống kê tại trạm quản lý đường thủy nội địa Cổ Tiết cho thấy, trong năm 2023 có khoảng 120 lượt phương tiện/tháng. Phương tiện có trọng tải từ 100 - 300 tấn, chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng, cát, đá sỏi, gỗ dăm và đánh bắt thủy, hải sản.
Do vậy, nhằm đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi nhất, chi cục đề xuất phương án: Đóng, mở cầu phao 1 lần/ngày, từ 9h đến 10h hằng ngày; linh hoạt số lần đóng, mở tùy theo phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực.
Sau khi thống nhất với đơn vị vận hành cầu phao về thời gian đóng, mở cầu phao, chi cục ra thông báo hạn chế giao thông, thông báo thời gian đóng, mở cầu phao gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng, các sở GTVT, chính quyền địa phương…; thông tin đến các thuyền trưởng, điều khiển phương tiện biết để chủ động thời gian lưu thông qua khu vực đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Chi cục cũng đề nghị cấp thẩm quyền bố trí 2 trạm điều tiết tại khu vực thượng lưu, hạ lưu cầu phao Phong Châu; bố trí phương tiện và nhân lực theo quy định về công tác điều tiết khống chế, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa để điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy tại khu vực.
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, vụ sập cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Thời điểm cầu sập, có 8 xe gặp nạn gồm: 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện. Tính đến ngày 20/9, có 3 nạn nhân được cứu sống, tìm kiếm được 2 người thiệt mạng. Như vậy còn 6 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Sáng 20/9, khi mực nước sông Hồng hạ sâu, dòng chảy ở mức an toàn, lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt nhịp cầu, xe và tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Tại nhịp cầu Phong Châu bị sập cùng ô tô tải mắc kẹt bên trong, lực lượng chức năng đã khảo sát, sử dụng máy phá bê tông, máy hàn hơi cắt từng nhịp giàn thép của nhịp cầu, tiến hành trục vớt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT và tỉnh Phú Thọ hoàn thành móng cầu Phong Châu mới trong tháng 4/2025, trước khi mùa mưa bão bắt đầu, sau đó làm các hạng mục công trình khác để hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.