Ngày 15/1, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng đối thoại với đại diện các hộ dân bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh.

Hơn 400 hộ dân bị thu hồi 800ha đất đầm bãi đã cử 5 người đại diện đối thoại với lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Đây là buổi đối thoại lần thứ 4 của lãnh đạo tỉnh Nam Định với các hộ dân bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

W-nam-dinh-o-1.jpg
Đại diện các hộ dân khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng trình bày ý kiến tại buổi đối thoại.

Nội dung mấu chốt và cũng là vấn đề người dân quan tâm, lo lắng nhất, đó là nguồn gốc đất đầm bãi tại khu vực Cồn Xanh; các căn cứ pháp lý để Nam Định thu hồi không đền bù, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh tế; lo ngại vấn đề môi trường khi Tập đoàn Xuân Thiện thực hiện dự án sản xuất thép ở khu vực ven biển.

Ngoài ra, người dân lo ngại việc giao quỹ đất rất lớn ven biển sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, bảo vệ an ninh khu vực biển khi dự án này chiếm phần lớn vùng ven biển Nghĩa Hưng.

Người dân đã kiến nghị, đề nghị lãnh đạo tỉnh hủy thông báo về việc chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo kế hoạch, lộ trình ngừng cấp điện, cấp nước đối với những diện tích đất tại khu vực Cồn Xanh đã hết thời hạn thuê đất theo quy định; phản ánh có sự sai sót về danh sách lấy ý kiến cộng đồng đối với quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ghi nhận sự hợp tác, thiện ý của người dân khi tham gia đối thoại công khai, minh bạch, dân chủ; những người dân có mặt tại buổi đối thoại trực tiếp đều tuân thủ, giữ trật tự để các ngành giải đáp câu hỏi, kiến nghị được đại diện bà con nêu ra.

"Việc tỉnh giao các đơn vị chức năng ngừng cấp điện, cấp nước đối với những diện tích đất tại khu vực Cồn Xanh đã hết thời hạn thuê đất theo quy định là đảm bảo quy trình, quy định của công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của người dân, giao huyện Nghĩa Hưng, các đơn vị liên quan tham mưu và sẽ có ý kiến để cấp có thẩm quyền có quyết định phù hợp về thời hạn, lộ trình cắt điện, cắt nước", Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nói.

W-lanh-dao-nam-dinh-1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị trả lời các câu hỏi của người dân.

Theo vị Chủ tịch tỉnh Nam Định, việc thu hút đầu tư các dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh là đúng chủ trương; các dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng và của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Quỹ đất đầu tư nhóm dự án này là đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Các quy trình, thủ tục đầu tư, GPMB, triển khai thực hiện nhóm dự án này đã được tiến hành bài bản, thận trọng theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng đối thoại với người dân.

W-con-xanh-nd-1.jpg
Khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Cũng tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn cho biết, đối với diện tích đầm bãi thu hồi để giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện thực hiện 3 dự án, khu vực đất nằm trong đê (thuộc Cồn Xanh) không được đền bù vì đã hết thời hạn cho thuê đất. Một phần đất phía Tây Cồn Xanh (khu vực ngoài đê, giáp với cửa sông Đáy) vẫn được đền bù vì còn thời hạn hợp đồng.

Tuy nhiên, các hộ dân đưa ra nhiều dẫn chứng và không chấp thuận những giải đáp này.

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện đã cam kết hỗ trợ chi phí cho các hộ dân trả lại đất cho dự án mức 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, đại diện người dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh không đồng ý và xin không nhận số tiền hỗ trợ trên.

Ngày 20/10/2023, UBND huyện Nghĩa Hưng đã ban hành thông báo (lần 1) về việc di dời tài sản, chấm dứt hoạt động của người nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng. Đến ngày 1/11/2023, UBND huyện Nghĩa Hưng có thông báo lần 2 về việc di dời này.