Giữa mòn mỏi dòng trôi, sông Đà Nẵng vẫn điềm nhiên chứng kiến bao nỗi thăng trầm của đời người và phố thị.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Lặng nghe sông hát tự tình của tác giả Tịnh Vũ.
Ngược dòng thành phố, tìm về nơi khởi nguồn của những dòng sông. Để nghe dòng hát, để thấy nắng vàng ươm mật trên sóng nước dập dìu.
Mải miết những dòng trôi
Đà Nẵng vẫn thường được biết đến với hình ảnh chiếc cầu quay hiện đại trên dòng sông Hàn lung linh nắng. Thế nhưng, để kể cho trọn vẹn dòng trôi miên viễn của một thành phố kiên cường đi lên sau khói lửa chiến tranh từ 1858 cho đến nay và cả dòng chảy lịch sử ngàn xưa thì phải nhắc đến sự hội tụ và hợp dòng của các con sông Cẩm Lệ, Cu Đê, Túy Loan, Quá Giáng, Cổ Cò, Vĩnh Điện, sông Yên và sông Hàn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Nếu nói tường tận về sông, về sự mải miết của đời sông, đời người mà tôi được tự mình chứng kiến và trải nghiệm nơi đây thì không biết bao lâu mới kể xiết những hoài niệm về sông Hàn và sông Cẩm Lệ.
Từ hợp lưu của sông Túy Loan và sông Yên ra đến ngã ba sông Cái là dòng chảy yên ả, thanh bình của sông Cẩm Lệ. Rồi nối tiếp từ hạ lưu sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện về đến vịnh Đà Nẵng để hòa cùng với biển là dòng sông Hàn rực rỡ những cuộc người biến chuyển.
Theo nhịp điệu tăng trưởng và phát triển của một thành phố đáng tự hào, mỗi đoạn sông đều mang trên mình một sứ mệnh riêng.
Ở đó, sông vẫn ngày ngày bền bỉ dòng trôi với dáng dấp và vẻ đẹp khác biệt.
Ở đó, những quán xá nhộn nhịp, những cung đường sáng rực ánh đèn được bừng lên sức sống hằng đêm.
Ở đó, những chiếc cầu hiện đại đã thay nhau mọc lên, nối đôi bờ thành phố, nối kết tình thân và nối thêm một nhịp tương lai cho thế hệ con cháu hưởng thụ những thành quả kiến thiết mà sông mang lại cho Đà Nẵng từng ngày.
Để rồi, mỗi lúc nhắc về đời sông, người dân nơi đây lại kể về đời người với những niềm thương, nỗi nhớ và sự tự hào của riêng mình.
Sông nuôi đời, đời dưỡng sông
Không bồi đắp phù sa như sông Hồng hay dòng Cửu Long chín nhánh. Không thơ mộng, lãng đãng với con thuyền độc mộc khua chèo xuôi mái và tiếng hò chiều êm ả. Sông Đà Nẵng đã và đang làm tốt nhất vai trò của mình.
Tôi nhớ những năm 90, từng chuyến phà qua sông đón đưa biết bao chuyến hàng của ba, của má. Những xe trái cây trĩu nặng, những gánh ve chai ướt đẫm mồ hôi tất tả trong dòng người xuôi ngược, chen chúc nhau cho kịp những đợt phà cuối cùng qua sông.
Bên sóng nước dập dìu, những khu nhà chồ nằm san sát trên mé nước. Họ ở đó, sinh sống và trưởng thành. Đến khi quy hoạch mới, biết bao người vẫn đau đáu một đời về tiếng róc rách của dòng trôi hay những thanh âm rỉ rả của nước len qua từng kẽ gỗ. Chúng tìm về trong đêm, khi những giấc mơ hòa cùng ký ức.
Ngày Đà Nẵng đổi thay, những ngôi nhà khang trang lần lượt mọc lên bên đôi bờ. Những cung đường đi bộ, ngắm nhìn sông phố. Những con đường nhựa trải dài thẳng tắp. Những khu trưng bày tượng đá và vườn hoa nghệ thuật. Từng chiếc tàu du lịch nối nhau trên sóng nước hằng đêm. Tất cả cùng hoà thành một bức tranh mới mẻ về đời sống Đà Nẵng. Mà ở đó, sông luôn luôn hiện hữu.
Hai bên dòng trôi vẫn là những mảnh ghép rời rạc, đan chéo nhau giữa sự tráng lệ xa hoa và những phận người cơ khổ. Tất cả họ đều tựa bên sông, nương vào sông để tự ủi an mình qua nhiều bận sóng gió cuộc đời.
Thi thoảng, tôi bắt gặp những dáng hình vẹo xiêu tựa lưng nghỉ ngơi bên bờ sông giữa trưa đầy nắng. Dưới những bóng cây, bên dưới gầm cầu, họ gửi hồn mình cho những giấc trưa êm ả còn chưa kịp hong khô mấy giọt mồ hôi. Nơi ấy, những chiếc ghế đá lặng lẽ đón chờ từng đôi chân mỏi của những cô chú vé số, xe thồ.
Những chiều về, không quá khó để bắt gặp từng cụ già lọm khọm tập đi hay những đôi chân trẻ thơ đang chạy nhảy nô đùa cùng cha mẹ trên vỉa hè lát đá trên đôi bờ sông lặng lẽ.
Khi đêm xuống, đằng sau ánh đèn lập lòe sáng của một trong những cung đường sầm uất nhất Đà Nẵng là từng xe nước mía, từng dãy hàng quán hay các gian hàng trò chơi trẻ em được bày biện rôm rả. Tại đây, những mảnh đời tha phương và rất nhiều người dân Đà Nẵng lựa chọn nương vào sông để sống, để đổi đời và để thấy mình đang dần trưởng thành bên hơi thở của một dòng trôi ẩn mình trong lòng phố.
Đáp lại mạch nguồn ấy, người dân nơi đây cũng đang từng ngày góp phần gìn giữ sông.
Không xả rác.
Không chèo kéo khách.
Không tệ nạn.
Họ giữ cho sông một sự bình yên đáng giá. Tất cả họ đều dành cho sông một tình yêu bền bỉ dẫu trải qua biết bao thăng trầm đời sống.
Để rồi, mỗi khi có tâm sự buồn, chính họ lại một lần nữa tìm về bên sông chỉ để ngồi lại, lắng lòng mình mà ngắm nhìn dòng trôi. Về, để nghe sông hát mãi khúc tự tình, cứ miên man, mải miết, chẳng bao giờ dừng lại và chẳng có gì ngăn trở tiến về phía trước, dẫu là đời người hay đời sông.
Thế mới biết, sông Đà Nẵng gần gũi lắm, thân thương lắm. Sông chứng kiến biết bao cuộc viễn ly. Kẻ ở, người đi, chỉ có sông vẫn lặng thầm xuôi chảy như một minh chứng cho sức sống căng tròn của một Đà Nẵng đẹp giàu và đáng sống.
Tịnh Vũ
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.