Quê nội tôi nằm sát bên bờ sông Hồng, đối diện bến đò Âu Lâu lịch sử. Con đường chính chạy qua làng cũng là con đường ngày xưa bộ đội hành quân Tây Tiến.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Bên dòng sông của đời mình của tác giả Nguyễn Hoàng Đoàn.
Tôi nghe kể lại rằng, để đưa bộ đội và vũ khí qua sông, toàn bộ thuyền nan của dân làng được huy động bên cạnh mấy chiếc phà cũ, từng đợt, từng đợt bộ đội được đưa sang bờ để hành quân ra trận. Hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và bộ đội vượt sông Hồng tham gia Chiến dịch Lý Thường Kiệt (năm 1951), Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ (năm 1952) và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954). Những năm chống Mỹ, nhân lực và vật lực từ miền Tây Bắc cũng được chi viện cho miền Nam qua sông ngay bến Âu Lâu này.
Nhà tôi nằm ở vùng ven thị xã, cách quê hơn 15km. Hồi ấy chưa có cây cầu nào của Yên Bái qua sông. Muốn về quê chỉ còn cách đi phà hoặc thuyền nan từ bến Âu Lâu. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch của miền Tây Bắc. Những con phà cũ kỹ chật cứng người xe, hàng hóa qua lại giữa hai bờ. Có những hôm phà chật quá hoặc quá giờ phà chạy, bố con tôi phải đi đò. Con đò nhỏ của bác lái đò trong làng dập dềnh trên sóng nước mênh mông, qua những khúc xoáy đỏ ngầu phù sa, nước có lúc tràn qua mép đò, phải dùng gáo múc nước trên sàn đổ lại sông. Chòng chành mãi, con đò mới sang bên kia. Tôi thích nhất cảm giác được chân trần nhảy trên đò xuống bãi cát xâm xấp nước mát rượi, chạy trước mũi xe đạp của bố và ngoái lại nhìn vết chân mình còn hằn trên cát. Lên đến đường nhỏ, bố chở tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất. Ông bà nội tôi mất rồi, chỉ còn các bác, các cô và họ hàng nhưng tình cảm thì vẫn luôn đong đầy như nước sông Hồng không bao giờ cạn. Tôi và đám trẻ con ở làng chạy ra bờ cát ven sông thả diều, tắm cho trâu, rồi vẫy vùng trong làn nước mát. Khi chiều về, hoàng hôn buông, thả những giọt nắng cuối ngày ruộm cả mặt sông. Bố con tôi lại trở về nhà qua bến sông với nào rau xanh, nào ngô nếp, gạo lúa mới… được bà con tặng từ cánh đồng xanh ngút ngàn bên sông vốn được bồi đắp đều đặn phù sa màu mỡ.
Sông Hồng ngày thường hiền hòa, êm dịu nhưng mùa mưa lại như nổi giận, hung hãn. Những ngày đó, mỗi lần về quê dù được đi phà tôi cũng thấy sợ. Con phà nhỏ bé, ì ạch trên dòng nước đỏ cuồn cuộn. Thậm chí, có hôm dòng nước quá lớn, dòng chảy mạnh, phà cũng phải tạm dừng. Có năm, nước sông ngập đến tận mái nhà. Con lợn, con gà, con trâu, bồ thóc, ao cá và chút của cải tích cóp được lại trôi theo dòng nước, để lại cái nghèo đeo đẳng và nỗi buồn tê tái. Bến sông quê cũng vắng thiu, buồn tênh sau mỗi chuyến phà, chỉ còn con đò nhỏ lặng lẽ lại qua. Một số thanh niên ở làng lớn lên trong nghèo khó, không thấy ánh sáng tương lai đã bỏ quê đi nơi khác…
Rồi một ngày, cầu Yên Bái được khởi công và khánh thành ngày 30/12/1992 sau hai năm chờ đợi, nối hai bờ sông Hồng, kết nối không chỉ cho làng quê tôi mà cả miền Tây Bắc. Có đường, có cầu, có điện, quê tôi dần đổi thay. Hàng hóa được giao thương, con người được giao lưu, tiến bộ, nhiều điều mới tốt đẹp về làng. Cách làm nông nghiệp mới, phương pháp xây dựng nhà tiên tiến đã giúp bà con chung sống yên ổn với sông Hồng. Rồi sau đó, những cây cầu hiện đại với nhiều làn xe chạy được đưa vào sử dụng như cầu Mậu A (năm 2003), cầu Văn Phú (năm 2004), cầu Trái Hút (năm 2010), cầu Tuần Quán (năm 2018), cầu Bách Lẫm (năm 2018) cầu Cổ Phúc (năm 2021), cầu Giới Phiên (năm 2023). Tám cây cầu như tám con rồng kết nối hoành tráng giữa hai bờ sông không chỉ về mặt vật lý, kinh tế mà còn là sợi dây đẹp đẽ nối tâm tư, tình cảm của người dân đôi bờ.
Quy hoạch tỉnh Yên Bái xác định phát triển đều dọc theo hai bờ sông Hồng. Làng quê của tôi nay đã được đưa về thuộc địa giới thành phố. Bộ mặt nông thôn và cuộc sống bà con đã thay đổi tích cực rất nhiều. Trên đồng quê đã thấy đậm dấu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải phóng sức lao động và đem lại năng suất cao. Một số doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã tìm về đặt cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Bến Âu Lâu nay được xây dựng trở thành di tích với tượng đài sừng sững, nhắc nhở các thế hệ về lịch sử hào hùng của dân tộc. Bố con tôi đi qua những cây cầu vắt qua sông Hồng để về quê thuận tiện trên những con đường sạch đẹp. Mỗi lần qua cầu, bố bảo tôi hạ kính xe, đi chầm chậm.
Tôi dần trưởng thành. Mỗi bước thăng trầm của cuộc đời, khi mệt mỏi tôi thường tìm về quê, về bên sông Hồng, nơi tôi thấy bình yên, tìm lại được sự chở che, an ủi về tinh thần và như thêm năng lượng để bước tiếp mạnh mẽ hơn trên chặng đường đời. Giờ đây, dòng sông trở thành trọng tâm, là điểm nhấn cảnh quan quan trọng trong quy hoạch đô thị, thành tuyến đường giao thương lớn, là nguồn bồi đắp phù sa không gì thay thế được cho nông thôn bên bờ, là nguồn nhựa sống cho đời sống tinh thần, văn hóa của bà con hai bên sông.
Con đò bên bến sông quê Âu Lâu
Muôn nẻo đường đi qua nhưng chặng đường bình yên nhất là chặng đường mỗi khi tôi trở về quê hương. Về quê, nhằm khi không vướng bận, tôi một mình tìm ra với dòng sông. Bờ cát ven sông nơi bến đò xưa còn đó. Không còn tiếng phà xưa xình xịch, chỉ thi thoảng mới thấy bóng con đò nhỏ chầm chậm qua lại đôi bờ, không còn tiếng lũ trẻ con xưa đùa vui ầm ĩ nhưng dòng sông thủy chung yên ả. Tôi bước chân trần trên mép nước như ngày thơ bé, cảm nhận từng con sóng nhỏ vỗ nhè nhẹ, cảm nhận từng hương gió sông trong trẻo. Ký ức như thước phim mới quay chầm chậm trở về, vẹn nguyên, đẫm tình cảm, mến thương. Tôi không ngại ngần nằm nghiêng trên bờ, gối đầu lên cát, thả lỏng thân mình và tâm hồn, bình lặng ngắm dòng sông Hồng đang lững lờ trôi. Dòng sông cũng như đang chào đón cậu bé con ngày nào, nay xa quê nhiều ngày gặp lại. Dòng sông như đang khe khẽ hát cho tôi nghe bài hát quê hương, thì thầm trò chuyện với tôi như đôi bạn thân sau nhiều ngày xa cách. Tôi mừng vì quê hương đi lên, phát triển nhưng cũng thấy lòng chợt mênh mang khi nhớ về những ngày xưa quê gian khó, nhớ những người thân yêu nơi làng quê nay không còn nữa, nhớ những kỷ niệm tuổi thơ ngày nào. Tôi thấy thêm yêu dòng sông này xiết bao không chỉ trong quá khứ, hiện tại này mà cả suốt cuộc đời còn lại của tôi…
Nguyễn Hoàng Đoàn
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNettổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.