Một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng, một số trẻ em/người chưa thành niên dù không tham gia vào hoạt động mại dâm, song lại chia sẻ những hình ảnh tình dục rõ ràng qua điện thoại hoặc mạng Internet. Những hình ảnh đó về sau được những kẻ phạm tội sử dụng cho các mục đích thương mại.
Hầu hết những trẻ em này đều không nhận thức được tính chất lâu dài của việc đăng tải những hình ảnh trong môi trường kỹ thuật số, và một khi những hình ảnh đã được gửi đi thì các em không thể kiểm soát việc chúng được gửi chuyển tiếp như thế nào.
Một vấn đề đáng quan ngại khác là những xu hướng mới nổi - “khoe cơ thể” và “trò chuyện về tình dục”. Theo đó, trẻ em đồng ý hoặc bị lôi kéo để tải lên những hình ảnh tình dục hoặc sẵn sàng lộ cơ thể của mình qua webcam để lấy tiền.
Đã có bằng chứng cho thấy không ít trẻ em đang tham gia hoạt động “nhắn tin tình dục”. Các em gửi những hình ảnh khỏa thân của chính mình qua điện thoại di động. Trong một số trường hợp, những hình ảnh này đã được bán cho các bên thứ ba mà trẻ em biết hoặc không biết.
Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em/người chưa thành niêncó tác động tiêu cực tới tất cả trẻ em. Những trẻ em trực tiếp tham gia sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm phải chịu tổn hại nặng nề do trực tiếp bị xâm hại và bóc lột; những hình ảnh xâm hại đó có thể bị lưu hành trong cả phần còn lại của cuộc đời trẻ.
Hiện có rất ít thông tin về tính chất và mức độ sản xuất, tải xuống và truy cập văn hóa phẩm khiêu dâm người chưa thành niên/trẻ em trên mạng Internet ở Việt Nam.
Theo nguồn tin từ ECPAT International, một mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức xã hội dân sự hoạt động nhằm chấm dứt nạn bóc lột tình dục trẻ em, một số khách du lịch tình dục trẻ em bị bắt vì những hành vi thực hiện tại Việt Nam đã sở hữu các văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, một vài trong số đó mô tả những vụ xâm hại mà chính họ đã thực hiện.
Một người đàn ông nước ngoài bị bắt ở Campuchia vào năm 2006 vì xâm hại tình dục các em gái người Việt Nam đã có một số video về các hoạt động tình dục của mình với trẻ em. Một người đàn ông nước ngoài khác bị bắt ở Campuchia vào năm 2003 vì có quan hệ tình dục với các em gái người Việt Nam và Campuchia trong độ tuổi từ 12 đến 18, cũng sở hữu những video khiêu dâm của các vụ xâm hại. Một người đàn ông quốc tịch Mỹ, bị bắt vào năm 2005 vì phạm tội tình dục với nhiều trẻ em từ 7 đến 15 tuổi ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Philippines đã bị phát hiện có văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em mô tả các em gái người Đông Nam Á.
Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, rất tiếc là Việt Nam vẫn chưa có một “phím nóng” hay “đường dây nóng” chuẩn và được công bố rộng rãi để trẻ em và công chúng có thể thông báo về những nội dung trái pháp luật hoặc đáng bị lên án mà mình phát hiện trên mạng Internet, cũng chưa có chế độ “thông báo và gỡ bỏ” đối với văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.
Nhiều ý kiến đề xuất cần có văn bản quy phạm pháp luật giải thích rõ khái niệm “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em” là những tài liệu “đồi trụy” hoặc “khiêu dâm”. Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em cần được giải thích theo nghĩa rộng, bao gồm cả những hình ảnh ảo, video, hình vẽ, sự trình bày bằng hình ảnh và âm thanh và văn bản mô tả trẻ em đang tham gia vào hoạt động tình dục thật hoặc mô phỏng hoặc mô tả các bộ phận cơ thể của trẻ em một cách gợi dục.
Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định: “Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1 gigabyte (GB) đến dưới 5 gigabyte (GB); b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Tuy nhiên, với tốc độ và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những quy định hành lang pháp lý về hình ảnh, clip xâm hại trẻ em theo quy định này hiện không còn phù hợp.
Một số ý kiến cho rằng quy định này còn mù mờ, chưa rõ ràng về việc tải xuống, lưu trữ các hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Việc các hình ảnh khiêu dâm trẻ dù vô tình hay hữu ý được lan truyền trên mạng cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của trẻ bị phát tán hình ảnh, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ nghĩ đến việc tự tử vì bị ám ảnh bởi những hình ảnh suốt cả cuộc đời. Do vậy, cần coi việc tải xuống, lưu trữ các hình ảnh khiêu dân trẻ em là hành vi phải nghiêm cấm đối với tất cả các đối tượng, không cần tính đến số lượng hình ảnh.