Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế 
 
Từ Tháng 7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng. 

Đồng thời, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Phát triển rừng bền vững là một trong những chương trình trọng điểm của Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%. Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao.

Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người làm nghề rừng. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn. Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và theo quy định của pháp luật.

Tổng mức vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 78.850 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 13.720 tỷ đồng, chiếm 17,4% và các nguồn vốn hợp pháp khác 65.130 tỷ đồng, chiếm 82,6%. Chương trình thực hiện trong 5 năm từ năm 2021 - 2025.

Tỉnh Lai Châu cũng đã tận dụng nhiều chính sách, nguồn lực để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế dưới tán rừng. Từ đó, tạo động lực giúp nhân dân mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững; góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất trong việc tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng để phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng.

Lai Châu có diện tích tự nhiên hơn 9.000 km2, là vùng đầu nguồn phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà với 479.538 ha diện tích rừng, trong đó có gần 445.600 ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51%. 

Loại đất chủ yếu dưới tán rừng là đất đỏ vàng và đất mùn đỏ vàng trên núi phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu quý với trên 10.700ha các loại như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô…

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Lai Châu xác định một trong những chương trình trọng điểm là phát triển rừng bền vững. Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chính sách đẩy mạnh phát triển rừng và kinh tế rừng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Trên 70% dân số của tỉnh Lai Châu có cuộc sống liên quan đến rừng từ canh tác, thu hoạch sản phẩm, sản vật từ rừng. Tỉnh xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, Lai Châu đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, quế, mắc ca và một số mô hình sinh kế gắn với rừng mang lại hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nhất là với các loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cần được bảo tồn, phát triển.

Cùng với đó, tỉnh tận dụng nhiều nguồn chính sách để hỗ trợ người dân phát triển như với cây dược liệu thì hỗ trợ 50% giống, vật tư phân bón; với phát triển đàn ong, hỗ trợ ban đầu 700 nghìn đồng/thùng… Mặt khác, Lai Châu tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển các loại hình du lịch, kết nối du lịch các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với diện tích 32% rừng có độ cao từ 1.400 - 3.100 mét so với mực nước biển cùng với khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm mang đến tiềm năng lớn cho Lai Châu phát triển một số loại cây đem lại giá trị kinh tế cao từ 20 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/ha như: sa nhân tím, thảo quả, địa lan, sơn tra. 

Dưới tán rừng còn có 12.500 ha diện tích rừng tre nứa mang đến tiềm năng cho khai thác măng ngoài tự nhiên. Cùng với đó, diện tích chè cổ thụ phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh hơn 700 ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả lớn, hệ thực vật đa dạng phong phú với nhiều loại cây ra hoa quanh năm là nguồn cung cấp nguyên liệu phấn hoa làm mật cho đàn ong phát triển.

Với tiềm năng, lợi thế từ phát triển kinh tế dưới tán rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nuôi ong dưới tán rừng với tổng số 1.138 hộ nuôi 3.623 đàn ong; sản lượng thu hoạch từ 5-6 lít mật/tổ, giá bán trên 200 nghìn đồng/lít.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp là nhiệm vụ xuyên suốt

Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt trước mắt và lâu dài trong định hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện mục tiêu đề ra.

Nhiều địa phương trong tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế rừng. Trong đó cao nguyên huyện Sìn Hồ được đánh giá là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của cả nước với nhiều loại dược liệu quý như đương quy, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa, atiso. 

Mật ong rừng được bày bán tại hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Hiện tỉnh Lai Châu phát triển chuỗi liên kết tạo ra các sản phẩm từ cây atiso mang thương hiệu cao nguyên Sìn Hồ, tạo việc làm cho lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Phát triển rừng và kinh tế rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Lai Châu. Từ đó, giúp nhân dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, làm giàu nhờ rừng.

Huyện Nậm Nhùn có tổng diện tích tự nhiên 138.808,39 ha; trong đó, qua rà soát thống kê diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp trên 83.000 ha (chiếm 64,9% diện tích tự nhiên). Trong quy hoạch của tỉnh, huyện Nậm Nhùn thuộc vùng kinh tế, sinh thái nông - lâm nghiệp dọc sông Đà; vùng đầu nguồn của các công trình thủy điện. Với vị trí địa lý đặc thù, kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Vì vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được huyện chú trọng.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững, cùng với thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và Đề án Phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các cấp chính quyền từ huyện tới các xã, thị trấn vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân.

Để đảm bảo kế hoạch trồng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, hàng năm, huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích của việc trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng từ các khâu chuẩn bị, trồng và chăm sóc rừng trồng; nghiên cứu chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Năm 2022, huyện Nậm Nhùn được giao trồng mới 490 ha rừng; trong đó, quế 400 ha, cây gỗ lớn 50 ha, rừng phòng hộ 40 ha. Ngoài diện tích được giao, người dân trên địa bàn huyện cũng đăng ký trồng thêm 147 ha quế và 5,8 ha rừng phòng hộ, nâng tổng diện tích trồng rừng mới của toàn huyện lên 608 ha.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Nậm Nhùn đề ra mục tiêu trồng mới 1.850 ha rừng, trong đó trồng mới trên 1.405 ha cây quế, 150 ha cây gỗ lớn và 295 ha rừng phòng hộ. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có trên 30.000 ha có thể phát triển cây lâm nghiệp. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cùng với thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, huyện Nậm Nhùn cũng tạo cơ chế thu hút, mời gọi các đơn vị, tổ chức tham gia cùng địa phương triển khai thực hiện các mô hình, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. 

Cùng với đó, việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Với nguồn lợi không nhỏ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường hàng năm, nhận thức của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng ngày càng nâng lên, người dân thấy rõ được lợi ích của việc bảo vệ rừng đem lại. Năm 2021, huyện Nậm Nhùn thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng, lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. 

Mặt khác, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng như các chính sách hỗ trợ để thu hút tổ chức, cá nhân trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Tích cực vận động người dân tập trung bảo tồn và phát triển dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như sâm Lai Châu.

Quỳnh Nga