Nhiều người có cùng cảm nhận về sự khát khao sáng tạo, cống hiến và nguồn yêu thi ca bất tận của Nguyễn Tiến Thanh khi đọc thơ ông.
Sau thành công của hai tập thơ Loạn bút hành và Chiều không tên như vết mực giữa đời, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh vừa ra mắt tác phẩm thứ 3 mang tên Viễn ca (NXB Văn học phát hành).
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh có hơn 30 năm làm báo, hiện là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tập thơ mới đánh dấu bước chuyển của anh.
Viễn ca gồm 39 bài thơ được tác giả viết trong khoảng 5 năm gần đây. Tuy chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng đã bớt đi, nhưng bù lại, tập thơ mới lại giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Tại lễ ra mắt, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, sinh ra làm người, ai cũng trải qua hành trình số phận. Trên hành trình đó, con người có nhiều cảm xúc khác nhau, ông chỉ đơn thuần ghi lại chúng thông qua ngôn ngữ của thơ, và Viễn ca ra đời vì thế.
“Sau hơn 30 năm làm báo, gặp quá nhiều sự va vấp quăng quật của đời sống, bước sang chặng đường mới, tôi cũng phải thay đổi rất nhiều. Trong hành trình cuộc sống, mỗi bước đi đều là sự đổi mới, thơ cũng vậy, mỗi tác phẩm là sự tiếp nối của cảm xúc và liên tưởng khác nhau”, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bất ngờ khi Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ Viễn ca. Tại lễ ra mắt, ông Thiều nói như được “phục sinh” trong không gian đầy ắp hồn thơ.
“Chúng tôi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ từ khi Tiến Thanh còn là sinh viên. Khi đọc Viễn ca, tôi có hai bất ngờ. Đầu tiên, tôi tưởng Tiến Thanh làm quản lý sẽ quên thơ ca, vậy mà một ngày mùa thu, anh lại xuất hiện trở lại trong một tinh thần, giai đoạn và nhịp điệu khác.
Thứ hai, đọc Viễn ca, tôi nghĩ tới hình ảnh cây trầm, lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong âm thầm toả hương thơm thoang thoảng dịu nhẹ. Thơ Tiến Thanh giống như vậy, vẫn là phong cách đấy, rất truyền thống nhưng đầy lãng mạn, phiêu lưu như tuổi thanh xuân.
Thi ca có nhiều con đường, Tiến Thanh chọn con đường đi ngầm trong đời sống, đến một ngày hiển lộ. Viễn ca vẫn chứa đựng sự run rẩy của thơ ca nhưng đầy tính triết lý của đời sống này", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thấy vui vì lâu nay tưởng thơ ca đã "chết", nhưng thi thoảng trên thi đàn lại xuất hiện một nhân vật giống Nguyễn Tiến Thanh, giúp kết nối những người yêu thi ca, tạo nên bầu không khí thân tình hiếm có.
Viết về tập thơ Viễn ca, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Tập thơ mới của Nguyễn Tiến Thanh giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Không chủ trương cách tân thơ, thậm chí nghiêng nhiều về phía cổ điển nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và suy tưởng về những phương trời viễn mộng”.
PGS.TS Phùng Gia Thế cho rằng, Nguyễn Tiến Thanh làm thơ, không làm chữ. Nói khác đi, sáng tác thơ với Tiến Thanh là sự tạo sinh và không gian hóa cảm xúc bằng ngôn từ. Điều này cũng có nghĩa, chữ trong thơ, theo mạch cảm xúc ấy, tự nhiên được gọi về.
"Tiến Thanh say mà tỉnh. Chất lãng mạn, lãng du không khiến những suy tư nhân thế và trách nhiệm công dân của ông khuất lấp. Nhưng Tiến Thanh cũng tỉnh mà say. Bởi có lẽ, thơ mãi mãi là chân trời huyễn mộng để Tiến Thanh được sống tận cùng với bản lai diện mục của mình”, PGS.TS Phùng Gia Thế nhận xét.
Nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ cho rằng, Nguyễn Tiến Thanh có những câu thơ ấn tượng bởi có các cặp đối ngẫu song hành trong cùng một dòng thơ, gợi nhiều liên tưởng. "Chất lãng tử du ca là hồn cốt của Tiến Thanh, gọi về cho ông những câu thơ tài hoa, làm người đọc hòa theo không gian và cảm xúc của tác giả", nhà phê bình khẳng định.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh - nhận xét thơ của Nguyễn Tiến Thanh có sự cô độc, cô độc là xước, là đau buồn... nhưng cuối cùng vẫn là cái đẹp, từ cấu trúc, tứ thơ và ngôn ngữ. Ở đó hiện lên những hình ảnh đẹp, có hơi hướng của thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm...