Phát biểu khai mạc, ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 112 km đường biên giới, 102 km đường biển, diện tích gần 11.000 km2, dân số khoảng 3,7 triệu người, trong đó có 2,6 triệu người ở độ tuổi lao động.

Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, 559 đơn vị hành chính cấp xã; là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI, đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc và là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam.

W-anh-1hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung.

Do đó, Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay; chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

Ông Liêm cho biết, Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực Miền Trung là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

W-anh-2hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu khai mạc.

Đặc biệt, Thanh Hóa mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giới thiệu, chia sẻ các giải pháp hay, các ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh cũng như trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, công nghiệp công nghệ thông tin đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.

W-anh-3hhhhhhhhhhh.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị.

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 117 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021; lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT: 1.200.000 người, tăng 6% so với năm 2021; nộp ngân sách: 40.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021; trên toàn quốc hiện có 6 khu CNTT tập trung và các thành viên chuỗi Khu Công viên phần mềm Quang Trung.

Điều này khẳng định lĩnh vực công nghiệp CNTT có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào GDP của đất nước nói chung và phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương nói riêng. Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

W-anh-4hhhhhhhhhh.jpg
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Thanh Hóa.

Theo ông Dũng, để giải quyết các bài toán chuyển đổi số, các sản phẩm, dịch vụ nền tảng số Make in Viet Nam chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Make in Viet Nam là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số trong công cuộc đổi mới lần 2 - chuyển đổi số quốc gia.

W-anh-5hhhhhhhhhhhhhh.jpg
Khai trương ứng dụng chuyển đổi số THANHHOA-S và Cổng dữ liệu mở Thanh Hóa.
W-anh-6hhhhhhhhhhhhhh.jpg
Các đại biểu đi thăm gian hàng triển lãm CNTT.

“Chuyển đổi số quốc gia với sứ mệnh tạo động lực mới cho phát triển lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để Việt Nam hùng cường, phồn thịnh. Với tinh thần đó, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT tôi đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay tập trung trao đổi, thảo luận đồng thời giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam một cách hết sức thiết thực, cụ thể, phục vụ cho sự phát triển của Thanh Hóa nói riêng cũng như phát triển khu vực miền Trung, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số và công nghiệp ICT Make in Viet Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thanh Hóa đã khai trương các gian hàng sản phẩm CNTT; Khai trương Cổng dữ liệu mở, App công dân tỉnh Thanh Hóa và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Thanh Hóa.

Hữu Duyên và nhóm PV, BTV