Vua Lửa (Pơtao Apui) có tổng cộng 14 đời, xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 22. Hơn 500 năm qua, người làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vẫn lưu truyền câu chuyện về Vua Lửa và chiếc gươm thần như một điểm tựa tinh thần, giúp dân chống hạn, phát triển sản xuất.

Vua Lửa 1.jpg
Di tích lịch sử Plei Ơi tại xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV

Theo tài liệu để lại, vào năm 1471 sau khi chinh phạt Champa, Vua Lê Thánh Tông đã nhắc đến Nam Bàn, Vua Lửa và Vua Nước. Đến thời Nguyễn, sử sách viết về Tây Nguyên cũng thường nhắc đến vùng đất được cai quản bởi các Hỏa Xá (Pơtao Apui/Vua Lửa), Thủy Xá (Pơtao Ia/Vua Nước). 

Tuy nhiên, đến giai đoạn thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, Vua Lửa được biết đến nhiều hơn. Năm 1904, sau cái chết của một quan binh dưới tay của Ơi Ăt và những người Jrai trung thành, các Vua Lửa vừa là nỗi khiếp sợ vừa là đối tượng để họ tìm cách lợi dụng.

Trong số 14 đời Vua Lửa, Siu Nhong, vị vua đời thứ 6 là người được nhắc đến nhiều nhất về quyền năng hô mưa gọi gió. Siu Nhong cũng là người có công trong việc hình thành nên vùng lãnh thổ của Vương quốc Hỏa Xá.

Vua Lửa 2.jpg
Làng Plei Ơi, nơi cư trú của những vị Pơtao cuối cùng đang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai xin lập hồ sơ đề nghị nâng cấp xếp hạng thành di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: CTV

Theo truyền thuyết, mặc dù được cử làm vua nhưng Siu Nhong một mực từ chối. Để thuyết phục Siu Nhong, người dân đã kiên trì năn nỉ 7 ngày 7 đêm nếu ông không chịu nhận thanh gươm, cả vùng có thể sẽ phải chết.

Cuối cùng Siu Nhong chấp nhận và dùng gươm thần chém 7 nhát vào hồ nước. Sau 7 ngày, 7 đêm, mây đen ùn ùn kéo đến những cơn mưa giăng kín cả bầu trời. Kể từ đó, ông chính thức được gọi là Pơtao Apui, giúp dân làng hô mưa, gọi gió, mang lại sự sống cho vạn vật.

Siu Ăt, vị Vua Lửa đời thứ 11 (đầu thế kỷ 20), cũng đã làm rạng danh cho dòng tộc của mình. Vua Lửa Siu Ăt với ý chí quật cường, ông đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng có thế lực trong vùng, kiên quyết chống lại sự thống trị của thực dân Pháp, bảo vệ người dân trước sự hung hãn, tàn bạo của quân thù.

Vua Lửa 3.jpg
Nơi cất giữ gươm thần. Ảnh: CTV

Siu Luynh là vị vua cuối cùng của 14 đời Vua Lửa, ông mất năm 1999 và có cuộc sống khá chật vật, khó khăn. Gia tài quý nhất của ông là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ do các đời vua trước để lại.

Theo quy định, chỉ những người mang họ Siu mới được nối ngôi, trong khi đó, con cái của Siu Luynh lại mang họ mẹ (chế độ mẫu hệ) cho nên đến nay vẫn chưa có người đảm nhận chức vụ quan trọng này. 

Về sự tích kỳ lạ của chiếc gươm thần, ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, theo truyền thuyết kể lại, gươm thần do 2 anh em Tdia, Tdiêng người Jrai rèn dưới chân núi Hàm Rồng, một miệng núi lửa khổng lồ nay đã tắt. Khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè, ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước… phải tôi bằng máu của người nô lệ thì thanh gươm mới chịu nguội. 

Vua Lửa 4.jpg
Ông Rah Lan Hieo (phụ tá của Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh) đang làm thủ tục trong lễ hội cầu mưa. Ảnh: CTV

Sự xuất hiện của thanh gươm với những yếu tố thần thánh mang sức mạnh huyền bí và bất khả xâm phạm, đòi hỏi phải có người xứng đáng, có thể nói chuyện, truyền đạt ý nguyện của dân làng với thần linh. Vì vậy, người giữ gươm thần sẽ được phong làm vua và đảm nhiệm trọng trách cầu mưa, giúp cho mùa màng tốt tươi, tránh được mọi thiên tai, dịch họa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ngô, Làng Plei Ơi là nơi cư trú của những vị Pơtao cuối cùng, nơi bảo lưu đầy đủ nhất dấu tích của vương quốc Hỏa Xá, đứng đầu là Pơtao Apui. Đây là nhà nước sơ khai với những khái niệm ban đầu về vùng lãnh thổ, liên minh cộng đồng, tuy nhiên những biến động của lịch sử đã làm cho vương quốc này sớm tan rã. 

Sau khi chia tách huyện vào năm 2007, huyện Phú Thiện đã khôi phục lại tín ngưỡng cầu mưa của Yang Pơtao Apui; đầu tư tôn tạo di tích, đường vào. Từ năm 2018 đến nay, cứ vào dịp 30/4 – 1/5, địa phương duy trì thường xuyên lễ cúng cầu mưa, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Vua Lửa 5.jpg
Hàng năm vào dịp 30/4 – 1/5, huyện Phú Thiện tổ chức lễ hội cầu mưa, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Ảnh: CTV

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, lễ hội cầu mưa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có công văn xin ý kiến về việc lập hồ sơ đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia Plei Ơi thành di tích quốc gia đặc biệt.