Theo thống kê, khoảng 15,6 triệu người Việt Nam trưởng thành sử dụng thuốc lá. Việt Nam cũng là nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới. Bên cạnh những người hút thuốc lá trực tiếp, lượng người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng ở mức cao đáng báo động. 

Hút thuốc lá nguy hại đường tiêu hóa

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết hút thuốc lá không chỉ là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý tim mạch và hô hấp, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc lá có hại tới bệnh lý tiêu hóa.

"Hút thuốc góp phần gây ra nhiều rối loạn hệ tiêu hóa như ợ chua, ợ nóng, ợ trớ, đau bụng, mệt mỏi", bác sĩ Liên cho biết. Thói quen của nhiều người này đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), Crohn, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Vị bác sĩ chia sẻ khoa Nội soi tiêu hóa tiếp nhận không ít trường hợp nội soi với tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Điển hình như ông V.T, 61 tuổi, tiền sử hút thuốc lá 35 năm, đi khám vì triệu chứng nuốt nghẹn. Kết quả nội soi phát hiện ông có u sùi chiếm gần toàn bộ lòng thực quản, không đưa ống soi qua được.

Ca bệnh khác là anh N.T.T, 25 tuổi, tiền sử hút thuốc lá liên tục từ năm 17 tuổi, khoảng 7 điếu/ngày. Kết quả nội soi phát hiện anh có tình trạng Barrett thực quản, là hiện tượng các tế bào trong thực quản - phần ống nối từ miệng đến dạ dày, được thay thế bằng các tế bào tương tự như niêm mạc ruột.

Hình ảnh nội soi thực quản của hai bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.

Theo bác sĩ Phương Liên, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống thanh - khí quản - phổi mà còn theo cuống họng để xâm nhập tới thực quản và gây biến đổi ung thư hóa.

"Như trường hợp bệnh nhân N.T.T (25 tuổi) trên đây, hút thuốc cũng làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới (cơ giữa thực quản và dạ dày) giúp ngăn thức ăn từ dạ dày chảy ngược lại thực quản", bác sĩ Liên cho hay. Khi cơ vòng thực quản dưới yếu đi, các chất trong dạ dày có thể trào ngược lại thực quản, gây ợ chua và có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Barrett thực quản được coi là có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư thực quản.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, người hút thuốc thường xuyên là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. 

Không chỉ thuốc lá truyền thống mà cả thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ cao gây các bệnh tiêu hóa, đặc biệt là ống tiêu hóa trên.

Tại Bệnh viện K (Hà Nội), hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Thói quen này được xếp hàng thứ 1 trong danh sách những yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.  

Nguyên nhân khiến bệnh nhân hút thuốc lá phát hiện bệnh muộn

Ngoài ra hút thuốc lá còn là nguy cơ gây nên rất nhiều bệnh lý khác, ảnh hưởng đến người hút và cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lâu ngày.

"Hầu hết bệnh nhân hút thuốc lá thường phát hiện bệnh muộn do sự ngấm dần từ từ của khói thuốc. Để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh, cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá", bác sĩ Liên đưa ra lời khuyên.

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, nghĩa là hơn 100 người tử vong mỗi ngày, cao hơn gấp nhiều lần so với số ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2030, con số này có thể sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong một năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không hiệu quả.

Hằng năm, WHO đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá vào khoảng 8 triệu người trên toàn cầu, đồng thời có thêm 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Ở nước ta, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

Không chỉ tiêu hóa, các nhà khoa học thống kê có 25 căn bệnh khác liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... Đây đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Võ Thu, Trần Chung, Lan Anh, Hồng Liên, Vũ Lụa

Trần Chung và nhóm PV, BTV