“Nhà Hà Nội học bình dân”
Tôi có tên khai sinh là Đinh Đông Hà, còn khi viết, tôi lấy tên Văn Thành Nhân. Chúng ta đang ngồi ở cửa nhà tôi đây - phố Ô Quan Chưởng - cái cổng này gọi tên chữ là Đông Hà Môn, nghĩa là cái cổng ô của thành Hà Nội trông về phía Đông, nhìn ra sông Hồng. Các cụ đẻ ra tôi, lấy tên cái cổng ô này để đặt tên cho tôi.
Ông cụ nhà tôi tên là Đinh Văn Thành, là một trong những người thuộc Ban Tu thư của Bộ Giáo dục tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở thời điểm sau năm 1954 - là bộ sách Luân lý. Cụ cũng biên soạn cuốn Truyện cổ tích Tây-nguyên (NXB Nguyễn Du, 1957).
Nếp sống người Hà Nội
Hà Nội bây giờ đã hoàn toàn trở thành một thành phố thương mại, công nghiệp với dân số đông gấp rất nhiều lần so với Hà Nội ngày xưa.
Hà Nội xưa chỉ còn trong hồi ức của một số người Hà Nội cũ, sống ở Hà Nội lâu năm, đang còn cố gắng giữ một cái gì đó của Hà Nội ở nếp sống, cách sống, giọng nói, cách nói, tính lạc quan yêu đời qua cách cư xử tếu táo hài hước… Như việc ngày xưa điện đóm Hà Nội phập phù. Người ta kể, câu đầu tiên tập nói của trẻ con là “A, có điện rồi!”, “Ôi, mất điện rồi!”.
Hà Nội bây giờ không còn là của riêng ai. Hà Nội như là của chung và có nhiều “phiên bản” Hà Nội với mỗi người. Phiên bản Hà Nội của dân nhập cư là những người về Hà Nội làm ăn, công tác, thậm chí của cả những người đến tá túc tạm một thời gian sau đó lại đi.
Tôi cả buồn và cả vui vì điều đó. Vui vì sự lớn mạnh, phát triển của một Hà Nội - thành phố công nghiệp và thương mại mà dần dần trở thành một “siêu đô thị” đông người. Buồn vì những nếp sống rất “Hà Nội” trong quá khứ rơi rụng dần, những lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống…
Những người sống lâu năm ở Hà Nội, dù là sinh ở Hà Nội hay ở các tỉnh khác, họ cũng nhập vào chính họ cái nếp sống, hồn cốt của người ở đây và trở thành người Hà Nội. Thực tế thì tỷ lệ người Hà Nội gốc vơi dần đi và người Hà Nội nhập cư tăng dần lên.
Theo tôi nghĩ, người Hà Nội gốc là người mà gia đình có thể đã ba bốn đời trở lên sống ở đây, từ đời ông bà cha mẹ cho đến bản thân và bị ngấm cái nếp sống ở đây.
Họ chia làm hai kiểu người. Đầu tiên, là những người sinh ra trong những nhà có nếp sống phong kiến, nho học, vẫn cổ vũ cho những quan niệm như “tam tòng tứ đức” với phụ nữ, “tam cương ngũ thường” với đàn ông, chẳng hạn.
Kiểu thứ hai là những nhà có con cái học hành và có nếp sống Tây học mà thực dân Pháp mang vào Việt Nam từ khoảng năm 1885, họ tạo ra tầng lớp công chức và những nhà buôn nhà thầu. Những người này và con cái có nếp sống mang phong cách, ăn mặc theo người Pháp, đọc sách báo tiếng Pháp, nói năng thì hay “đá” tiếng Pháp vào.
Hai nếp sống đó tồn tại song song.
Nhưng có một điểm chung của hai nếp sống, đó là kiểu cư xử kín kẽ trong công việc, trong quan hệ, trong bộc lộ suy nghĩ và quan điểm của mình. Thí dụ, họ giàu thì giàu kín, tài cũng tài kín, năng lực thế nào cũng kín chứ không khoe khoang, phô trương hay khinh thị người kém hơn. Sinh hoạt thì “đi đóng về mở”, ra ngoài đường không nói to hoặc gây ầm ĩ; ăn uống thì nhỏ nhẹ, bữa cơm thì quay mặt vào trong nhà chứ không quay mặt ra ngoài đường.
Trong họ nhà tôi có ông chú sống ở số nhà 12 phố này (Ô Quan Chưởng-nv). Ông là một trí thức của Hà Nội. Ông không giàu, nhưng luôn nói năng điềm đạm, lịch thiệp trong sinh hoạt, cư xử với mọi người. Phần lớn các trí thức cũ, các nhà tư sản còn ở lại Hà Nội chứ không di cư vào Nam đợt 1954, thì họ sống càng khép kín, như một cái bóng của chính mình.
Ký ức Hà Nội
Khu vực tôi sống đây, vẫn còn giữ được những nếp sống cũ qua món ăn, ví dụ các hàng quán. Cách nhà tôi khoảng 30m, có hàng bún ốc nguội. Đi quá lên phía Đào Duy Từ là hàng bánh đúc nộm giá. Đấy là những món mà giờ ít người chế biến.
Từ đây, chỉ cách một đoạn là đê sông Hồng, đi khoảng dăm phút ra đến đầu cầu Long Biên. Khu vực này vừa “cận thị” lại vừa “cận giang”. Ngày trước, con phố này vắng lắm, Ô Quan Chưởng còn là con phố ngắn nữa, chỉ dài có 70m. Ngồi ở trong nhà, tôi có thể nghe thấy tiếng bà nội từ trên phố Hàng Nâu (bây giờ gọi là phố Trần Nhật Duật-nv) đi xuống đến đầu phố và cái chùm chìa khóa của bà đập vào nhau kêu lanh canh, lanh canh. Ngay cả ban ngày cũng có thể nghe thấy rất rõ tiếng guốc của một người phụ nữ nào đó từ phía trong phố Hàng Chiếu đi ra.
Hà Nội bây giờ không còn thanh vắng như ngày xưa nữa mà ồn ào, tấp nập với rất nhiều âm thanh to, chèn ép nhau làm mất đi những âm thanh nhỏ nhẹ hơn như tiếng guốc, tiếng rì rào của cành cây nhỏ, thậm chí cả tiếng thở dài, tiếng ho của người hàng xóm.
Khoảng từ ngày mùng 5/8/1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, người Hà Nội lục tục đi sơ tán. Hà Nội trở nên vắng tanh, vắng ngắt.
Ngồi nhớ lại, thấy rất xúc động về những ngày này. Đó là những tờ giấy gắn cửa nhà với dòng chữ “Bố mẹ gửi chìa khóa chỗ ông Tổ trưởng (khu phố)” hoặc ”gửi ở nhà bác X”, để con cái đi bộ đội, công tác “đảo” qua nhà thì nhận được lời nhắn nhủ đấy.
Đầu phố Ô Quan Chưởng, có một anh bộ đội về phép thăm nhà đang cứu giúp một chị lấy nước ở máy nước công cộng bị bom bi. Máy bay thả đợt bom bi nữa, anh bị thương nặng, chết. Còn chị được cứu, đến bây giờ vẫn sống.
Cũng có một vài điều mà một số người hiểu lầm về Hà Nội.
Trong bài hát Tiến về Hà Nội, nhạc sĩ Văn Cao đã dùng hình tượng "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, thì thực ra cửa Ô Quan Chưởng không có vinh dự đón đoàn quân tiến về. Bài hát này được nhạc sĩ sáng tác vào những năm 1950-1951. Khi đó đoàn quân giải phóng chưa về tiếp quản Thủ đô. Trong các cánh quân tiến về để tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 không có một cánh quân nào đi qua cửa Ô Quan Chưởng, vì cửa ô này không phải là trục giao thông chính để quân ta tiến về.
Nhạc sỹ Văn Cao sau có lần tâm sự rằng khi ông sáng tác bài hát đó, ông chỉ muốn dùng hình tượng năm ngón tay trên một bàn tay như những cánh hoa sen xòe ra để đón đoàn quân tiến về Thủ đô.
Và nếu như có ai đó nghĩ Hà Nội khi đó chỉ có 5 cửa Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng như bài hát, thì đó là một nhầm lẫn. Mặc dù các cửa ô (có 16 hoặc 21 cửa ô trải qua các thời kỳ -nv) đã bị phá hết, nhưng giai đoạn đó trong lòng người dân Hà Nội vẫn còn tên gọi của 2 cửa ô nữa đó là Ô Yên phụ và Ô Đồng Lầm (phía hồ Ba mẫu). Ô Đồng Lầm cũng là một cửa để đón “Đoàn quân tiến về”.
Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn: “Về khái niệm “Hà Nội học” hiện nay dùng trên truyền thông, tôi cho đó là một thuật ngữ có tính báo chí nhiều hơn là tính học thuật, hàn lâm. Vì tôi biết câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của khái niệm này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong thì phải, đề cập việc nghiên cứu sâu về Hà Nội, Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng có gọi nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc với danh xưng “Nhà Hà Nội học”. Khái niệm “Hà Nội học” được truyền thông “đẩy” lên từ đó và được mặc nhiên tiếp nhận. Có lẽ lúc này, khái niệm “Hà Nội học” chưa thật rõ ràng lắm. Bởi vì với tư cách một ngành học khoa học, thì phải xác định rõ ít nhất 3 vấn đề liên quan. Thứ nhất, là đối tượng nghiên cứu. Thứ hai, là hệ thống lý thuyết, phương pháp luận và công cụ nghiên cứu. Thứ ba, là kết quả nghiên cứu phải mang tính đặc thù (tính quy luật, tính ứng dụng trong phát triển,…). Với “Hà Nội học” - đối tượng nghiên cứu không chỉ nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà còn là địa lý, địa mạo, địa chất; còn là văn học và các ngành nghệ thuật liên quan nữa… và còn các yếu tố khác, ví dụ như kinh tế chẳng hạn. Tuy nhiên, về danh xưng, cá nhân tôi cho rằng, bất kỳ ai có được thành tựu nghiên cứu về Hà Nội, chẳng hạn như về địa lý, địa chất, địa mạo, hay lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, hoặc kinh tế của Hà Nội… thì đều có thể được gọi là “nhà Hà Nội học”. Bởi vì người ta đã nghiên cứu, người ta có kết quả nghiên cứu và được đông đảo công chúng đón nhận rồi chấp nhận nó. Mặc dù có thể có tranh cãi trong khoa học ngành học - tranh cãi là điều rất bình thường trong khoa học - thì vẫn có thể coi họ là những “nhà Hà Nội học”. |
Nguyễn Quốc (ghi)