Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, đã giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An nghiên cứu xử lý lại màu vôi của Chùa Cầu.

Theo ông Sơn, màu sắc của Chùa Cầu sau khi trùng tu được thực hiện theo đúng hồ sơ nghiên cứu. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của người dân và du khách, thành phố sẽ quét vôi lại viền màu trắng có phần nổi bật trên thân Chùa Cầu thành màu sẫm hơn để công trình đem lại cảm giác "đỡ mới" và hài hoà hơn. Việc sơn lại đường viền màu trắng cho sẫm hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của di tích.

"Còn phần màu đỏ hiện nay là màu nguyên bản truyền thống của Chùa Cầu nên vẫn được giữ nguyên. Đối với di tích cổ, Hội An đều sử dụng vôi pha với bột màu tự nhiên để phủ lên, cho nên màu sắc rất dễ phai, chỉ cần qua một mùa mưa nắng thì Chùa Cầu lại phủ rêu phong và có màu thời gian như trước khi trùng tu", ông Sơn chia sẻ.

W-chua cau truoc trung tu.jpg
Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu.
W-DJI_0053.jpg
Hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Hà Nam

Chủ tịch TP Hội An cho biết thêm, vào dịp khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu ngày 3/8, thành phố sẽ xuất bản sách với chủ đề liên quan.

Nội dung sách là toàn bộ hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản. Mục đích là đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách, người dân Hội An cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.

"Khi phục hồi màu sắc dù thế nào cũng không tránh khỏi việc làm cho di tích có phần mới ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của nó", ông Sơn nói.

Như VietNamNet đưa tin, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của Chùa Cầu, tháng 12/2022, Quảng Nam và Hội An đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhằm tôn tạo di tích nổi tiếng này. Sau 19 tháng "đại phẫu", Chùa Cầu đã hoàn thành các hạng mục chính.

Tuy nhiên, diện mạo mới của Chùa Cầu sau tu bổ đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt là màu sơn, làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của Hội An, khiến di tích này "trẻ hơn" và trở nên lạ lẫm.

W-5A0A0357 (2).jpg
Màu đỏ như hiện nay vẫn được giữ nguyên vì đây là màu gốc của Chùa Cầu. Ảnh: Hà Nam
W-5A0A0401.JPG.jpg
Đường viền màu trắng, phần tiếp giáp giữa mố cầu và mái ngói sẽ được quét vôi lại cho sẫm màu hơn. Ảnh: Hà Nam

Liên quan đến vấn đề này, phía Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An khẳng định, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu đã được giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng với phần tường và chi tiết trang trí trên mái phải được phục hồi bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên cần thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.

Do đó, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết, bởi nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại, trong khi phải gia cố chắp vá loang lổ cùng với những thành phần buộc phải thay mới sẽ không đảm bảo thẩm mỹ. Đặc biệt, làm thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như Chùa Cầu.