Chùa Cầu sau trùng tu trông "trẻ quá"

Sau gần 2 năm trùng tu, di tích Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đã hoàn thành và đang thu hút sự quan tâm của người dân, du khách. Bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều.

Nhiều người khen di tích đẹp nhưng cũng không ít bình luận cho rằng di tích sau trùng tu "như làm mới" và không còn nét cổ kính.

Từ Hà Nội vào tham quan phố cổ Hội An, anh Minh Tâm bày tỏ bất ngờ trước diện mạo "trẻ hoá" của Chùa Cầu. Theo anh Tâm, mỗi lần đến Hội An luôn bị thu hút đặc biệt bởi những kiến trúc cổ kính rêu phong, đặc biệt là Chùa Cầu.

"Những lần trước tới và cả trong tâm trí tôi thì hình ảnh Chùa Cầu rất cổ kính, xưa cũ nhưng giờ trông hiện đại và trẻ quá", anh Tâm chia sẻ.

W-chua cau truoc trung tu.jpg
Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu. Ảnh: Hà Nam

Cùng quan điểm, chị Mỹ Tiên (du khách Đà Nẵng) bày tỏ: "Tôi thấy Chùa Cầu sau khi tu bổ vẫn giữ được các yếu tố nguyên gốc nhưng màu sắc quá sáng khiến di tích mất đi sự hoài cổ và trông thô hơn trước".

Lãnh đạo TP Hội An nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, đã lắng nghe phản hồi của dư luận về diện mạo khác lạ của Chùa Cầu sau trùng tu. 

Theo ông Sơn, Chùa Cầu có lịch sử hơn 400 năm, là di tích quốc gia đặc biệt, biểu tượng của giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản. Trải qua các đợt tôn tạo và sửa chữa, công trình ngày càng xuống cấp và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, mỗi ngày di tích phải "gánh" hơn 10.000 lượt du khách qua lại nên việc trùng tu là rất cần thiết.

Để chuẩn bị cho đợt "đại phẫu", Hội An đã tổ chức rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn rất nhiều nhà khoa học, kể cả các chuyên gia Nhật Bản.

Trong quá trình thực hiện đã đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc công khai, minh bạch; du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu.

W-5A0A0410.JPG.jpg
Phần đỉnh mái sau trùng tu được nhiều người cho là quá hiện đại. Ảnh: Hà Nam
W-5A0A0207 gigapixel art scale 1_50x.jpg
Bên trong Chùa Cầu sau trùng tu. Ảnh: Hà Nam

"Từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Bộ phận nào hư hỏng, mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình mới tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại những yếu tố gốc", ông Sơn cho hay.

Chủ tịch TP Hội An cho biết thêm, khi trùng tu dứt khoát phải sơn lại để bảo quản công trình, vì nếu cứ để cũ, qua mưa gió sẽ xuống cấp. Tất cả màu sơn đều là màu gốc của di tích được nghiên cứu rất kỹ.

Về ý kiến nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ hoặc làm cho Chùa Cầu bớt "mới" đi, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An cho rằng, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đề ra, làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí còn giữ màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua nhiều lần tham vấn, tọa đàm.

"Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần ‘mới’ ra, nhưng điều quan trọng hơn là giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu…", phía Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An thông tin.

Trùng tu Chùa Cầu: Cạo trọc rồi đội tóc giả?Cần chống sốc cho cộng đồng. Đó là ý kiến của bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Khoa học văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) khi phương án hạ giải di tích Chùa Cầu để trùng tu được đưa ra.